top of page

Một Số Lời Khuyên Khi Đọc Sách Tranh Không Lời (Wordless Picture Book) Cùng Bé


Sách tranh không lời đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kĩ năng đọc viết.


Nhà văn Henrik Ibsen người Na Uy đã từng nói rằng một bức tranh hơn ngàn lời nói (A picture is worth a thousand words). Đối với những cuốn sách tranh không lời, tranh minh họa còn có thể đáng giá hơn thế. Sách tranh không lời giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kĩ năng đọc viết, nên việc cùng trẻ đọc những cuốn sách tranh không lời cũng quan trọng như đọc sách tranh có lời dẫn truyện. Ngoài ra, học cách đọc tranh và chú ý đến những chi tiết đặc biệt trong tranh cũng góp phần phát triển kĩ năng đọc hiểu hình ảnh giúp trẻ hiểu những gì mình nhìn thấy.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Waterloo đã phát hiện ra rằng sách tranh không lời giúp trẻ mầm non (toddler) mở rộng vốn từ vựng. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã so sánh khi mẹ đọc sách tranh không lời và có lời cho trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi đọc sách tranh không lời cho trẻ, mẹ có xu hướng sử dụng ngôn ngữ phức tạp hơn. Một lý do giải thích cho kết quả này là vì khi đọc sách tranh không lời, mẹ thường tự nghĩ ra nhiều nội dung truyện khác nhau thay vì dựa hoàn toàn vào lời kể chuyện như khi đọc truyện có lời. Một lý do khác nữa là khi đọc sách tranh không lời, mẹ có thể tự biến đổi nội dung truyện để phù hợp với sở thích cá nhân của trẻ, cũng như thay đổi ngôn ngữ để phù hợp với khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Đôi khi cha mẹ có thể cảm thấy rằng đọc sách tranh không lời là một thử thách khó khăn vì người đọc phải dựa vào tranh để tự “sáng tác” truyện. Tuy nhiên, trải nghiệm đọc sách tranh không lời là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển ngôn ngữ và kĩ năng đọc viết của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý để cha mẹ có thể cùng bé đọc sách tranh không chữ một cách dễ dàng hơn.

1. Mô tả tranh

Mô tả tranh khuyến khích chúng ta sử dụng ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ nói thông thường. Như vậy, khi nghe cha mẹ mô tả lại tranh, trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều từ vựng phong phú hơn. Cha mẹ có thể thử nhìn và tả lại những gì đang xảy ra trong tranh, chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa các bức tranh để giúp trẻ hiểu những gì đang diễn ra trong tranh.

2. Chỉ cho trẻ các vật trong tranh

Chỉ và đọc tên các vật trong tranh giúp trẻ học từ mới. Hoạt động này sẽ thu hút trẻ tập trung đến các chi tiết nhỏ trong tranh. Cha mẹ có thể để ý xem trẻ hứng thú với những chi tiết nào thì có thể nói chuyện thêm với trẻ về những chi tiết đó.

3. Nói về cả những nội dung nằm ngoài tranh

Hỏi trẻ những câu hỏi mở như chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và vì sao trẻ lại nghĩ như vậy và cho trẻ đủ thời gian để suy nghĩ. Khi trẻ trả lời, cha mẹ nhắc lại câu trả lời của trẻ và thêm thông tin. Ví dụ, khi trẻ trả lời: “con mèo”, cha mẹ sẽ nói rằng: “đúng rồi, có một con mèo đen.”

4. Dùng ngôn ngữ trong truyện

Khi kể chuyện cho trẻ nghe, cha mẹ cố gắng sử dụng các từ nối đơn giản như “sau đó”, “tiếp theo”, v.v. Những từ nối này giúp trẻ nhận ra dòng thời gian trong truyện và cách kể chuyện theo thứ tự.

5. Sáng tác nhiều câu chuyện khác nhau

Cha mẹ không nhất thiết phải kể lặp lại một câu chuyện giống hệt. Ví dụ, nếu chuyện có nhiều nhân vật, mỗi lần kể hãy nghĩ ra một câu chuyện mới theo điểm nhìn của từng nhân vật. Đây chính là điểm tuyệt vời nhất của sách tranh không lời - người đọc có thể sáng tạo ra nhiều câu chuyện khác nhau mỗi lần đọc.

6. Khuyến khích trẻ tự sáng tạo ra câu chuyện của riêng mình

Cha mẹ không nhất thiết là người sáng tạo duy nhất khi đọc sách tranh không lời. Sau khi đã xem tranh và bàn luận về các bức tranh và các chi tiết nhỏ trong từng tranh, cha mẹ có thể gợi ý bé tự sáng tạo ra câu chuyện của riêng mình.

Dưới đây là một số sách tranh không lời trong Vườn nhà Mầm để ba mẹ và các bạn nhỏ có thể thử sức với những gợi ý trên nhé.

1. Bee & Me (Alison Jay) (2-6 tuổi)

Câu chuyện có hai nhân vật chính là chú ong và cô bé. Đôi bạn sẽ cùng nhau đi chu du khám phá khắp nơi...


2. Out of the Blue (Alison Jay) (3-6 tuổi)

Cùng ngắm nhìn những sắc màu tươi sáng và âm thanh náo nhiệt của biển cả!


3. Footpath Flowers (3-5 tuổi)

Em bé lang thang nhặt những bông hoa dại và tặng cho tất cả mọi người mà em gặp trên đường. Em không biết những người được em tặng hoa có cảm thấy hạnh phúc nhưng có lẽ em là người hạnh phúc nhất.


4. Journey (Aaron Becker) (4-8 tuổi)


Một cuốn sách tranh không lời hoàn hảo để nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Khi cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, cô bé đã vẽ nên cánh cửa diệu kì đưa em đến một thế giới huyền ảo như trong truyện cổ tích...


5. Mr. Hulot at the Beach (David Merveille) (4-8 tuổi)

Một câu chuyện hài hước về ông Hulot ở bãi biển!


6. Here I Am (Patti Kim) (5-11 tuổi)

Một cậu bé mới chuyển đến sinh sống ở một thành phố mới. Mọi thứ đều lạ lẫm, từ thức ăn, ngôn ngữ, bạn bè đến văn hóa. Cậu bé sẽ hòa nhập như thế nào? Bé hãy tự kể lại câu chuyện dựa vào những bức tranh nhé!


Nguồn Mầm tham khảo:



16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bee & Me

Journey

Footpath Flowers

bottom of page