top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Sự xuất hiện của các loài Động vật trong Văn học Thiếu nhi

Rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi có động vật là nhân vật chính. Ngoài việc trẻ em thường rất yêu thích động vật, còn có nhiều lý do khác nhau khiến các tác giả thường xuyên sử dụng biện pháp nhân hóa để biến động vật thành các nhân vật như con người trong các tác phẩm văn học cho trẻ em.


Sự xuất hiện của các loài động vật trong văn học thiếu nhi

Trong lịch sử của các nền văn minh cổ, con người thường liên tưởng đến hệ động thực vật xung quanh mình để sáng tạo ra các câu chuyện. Tương tự như vậy, khi những cuốn sách cho thiếu nhi đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 1600, những cuốn sách có nhân vật là động vật cũng ngay lập tức xuất hiện. Theo thư viện Anh Quốc (British Library), cuốn sách đầu tiên có sự xuất hiện của nhân vật là động vật là Orbis Sensualium Pictus (1659). Tuy nhiên, đó chỉ là một cuốn sách giúp trẻ học bảng chữ cái. Các tác phẩm văn học thiếu nhi thực sự chỉ bắt đầu được xuất bản từ thế kỉ 18, và đó cũng là khi động vật bắt đầu trở thành những nhân vật quen thuộc với trẻ em.


“Hình tượng” của các loài động vật trong văn học thiếu nhi

Việc sử dụng lặp đi lặp lại các loài động vật làm nhân vật chính trong truyện đã góp phần xây dựng nên một hệ thống “hình tượng” cố định cho một số loài động vật. Ví dụ, khi đọc truyện về sói, trẻ em thường liên tưởng đến những tính cách tinh ranh, hay lừa lọc người khác, chuột nhắt thì thường đại diện cho những kẻ nhát gan, cừu thường hiền lành, ngơ ngác, hay sư tử thường oai phong, lẫm liệt và có đôi phần nóng tính. Những hình tượng quen thuộc này giúp trẻ dễ dàng tiếp thu nội dung và nắm bắt câu chuyện nhanh chóng nên động vật ngày càng trở thành một sự lựa chọn quen thuộc khi các nhà văn sáng tác truyện thiếu nhi.


Hệ thống hình tượng nhân vật cố định như vậy còn mở ra một hướng mới để phát triển các nhân vật là động vật là “phá vỡ hình tượng” - tức là xây dựng nhân vật khác hoặc ngược lại hình tượng quen thuộc. Các tác phẩm phá vỡ hình tượng nhân vật động vật như vậy cũng thu hút sự chú ý của trẻ em vì nó tạo ra sự mới mẻ và lạ lẫm để kích thích trí tò mò và giúp trẻ em xóa bỏ những định kiến đã có trước đó về các nhân vật là động vật.


Giá trị về mặt tâm lý của nhân vật là các loài động vật

Ngoài giá trị về mặt ngôn ngữ và giải trí, không thể phủ nhận một thực tế là các tác phẩm văn học thiếu nhi còn đóng vai trò rất lớn trong việc giáo dục trẻ em về những điều hay lẽ phải và những quy tắc, bài học trong cuộc sống. Các nhân vật động vật thường tạo ra bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp để giúp trẻ em “học mà chơi - chơi mà học” những quy tắc và bài học này thay vì cảm thấy cứng nhắc khi phải lắng nghe những lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô.


Ngoài ra, trẻ em còn non nớt về mặt cảm xúc và chưa có đủ kinh nghiệm để đối mặt với những chủ đề khó khăn mang đến nhiều cảm xúc mạnh như người thân mất, sự chia ly, sự đau đớn… Khi đề cập đến các chủ đề này, các tác giả cũng thường sử dụng nhân vật chính là động vật để giúp trẻ em trải nghiệm gián tiếp các cảm xúc mạnh, qua đó giữ một khoảng cách an toàn với các cảm xúc mạnh đó. Điều này là bởi các nhân vật là động vật đã quen thuộc với trẻ em nên trẻ em có thể nhìn thấy mình trong đó. Tuy nhiên, đó vẫn không phải là con người nên trẻ em sẽ chỉ cảm thấy mình đang chứng kiến người khác trải qua cảm xúc chứ không phải bản thân mình trải qua cảm xúc.


Vì các lý do trên, nhân vật là các loài động vật xuất hiện thường xuyên trong các câu chuyện thiếu nhi. Sau đây, Mầm xin giới thiệu một số câu chuyện thiếu nhi nổi bật có động vật là nhân vật trung tâm. Ngoài ra, các cậu cũng có thể vào mục Luống theo Chủ đề trong Khu Vườn Truyện và chọn chủ đề Động Vật để đọc tất cả các câu chuyện có nhân vật là động vật đã được gieo trong Vườn nhà Mầm nhé!


Nguồn Mầm tham khảo:

http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ (Thế giới động vật trong sách thiếu nhi)


Truyện thiếu nhi có động vật là nhân vật trung tâm:



Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ quen thuộc được tái hiện lại qua những bức tranh minh họa vô cùng ấn tượng. Tác phẩm đã chứng minh giá trị về mặt tâm lý của các nhân vật là động vật vì đã giúp trẻ em học được các bài học về cuộc sống một cách nhẹ nhàng, không gò bó.





2. Heaven (7-9 tuổi)


Giúp trẻ đối mặt với cảm xúc khó khăn (người thân mất) một cách gián tiếp thông qua sự ra đi của nhân vật chú chó Dill thân thuộc.




Chú gà Nugget xinh xắn dễ thương sẽ thay bố mẹ giúp bé làm quen với một hoàn cảnh sống mới có thể đem lại nhiều cảm xúc khó chịu: sự xuất hiện của em bé mới trong gia đình! Đây là một sự thay đổi tương đối phức tạp với trẻ và các bé rất cần được chuẩn bị kỹ càng về mặt tinh thần.



4. The Journey Home (3-8 tuổi)


Hiện tượng nóng lên toàn cầu và các vấn đề về môi trường có thể là chủ đề tương đối phức tạp đối với trẻ em. Câu chuyện sẽ tạo cơ hội cho trẻ em “học mà chơi, chơi mà học” được những kiến thức tưởng chừng như xa lạ và chỉ dành cho người lớn!




Trong câu chuyện này, tác giả đã “phá vỡ hình tượng” của nhân vật cá mập Fang để tạo nên sự tươi mới và thu hút sự chú ý của các bạn nhỏ. Mỗi khi nghĩ đến cá mập, chúng ta thường nghĩ đến những nhân vật to lớn đầy sức mạnh và sẵn sàng nuốt chửng những kẻ bé nhỏ và yếu hơn. Ấy vậy mà Fang lại dùng sức mạnh của mình để bảo vệ cá tuế Nugget bé nhỏ chứ không hề ăn thịt như hình tượng vốn dĩ của cá mập.


22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page