top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

What Do You Do with... Series

What Do You Do with... Series là tuyển tập bộ 3 tác phẩm đã đoạt nhiều giải thưởng và là sách bán chạy nhất thời báo New York là What Do You Do with an Idea?, What Do You Do with a Problem?What Do You Do with a Chance?. Bộ truyện được nhà văn Kobi Yamada sáng tác và họa sĩ Mae Besom minh họa.


Tác giả Kobi Yamada

Nguồn: Compendium

Kobi Yamada là tác giả của rất nhiều sách tranh truyền cảm hứng, trong đó có rất nhiều tác phẩm đã đoạt các giải thưởng danh giá và là sách bán chạy nhất của thời báo New York. Ông là CEO của Compendium - một công ty theo định nghĩa của ông là một tập hợp của những con người tuyệt vời làm những điều tuyệt vời. Đó cũng chính là công ty đã xuất bản bộ 3 tác phẩm What Do You Do with…?. Kobi Yamada hiện đang sống cùng vợ và 2 con. Các cậu có thể tìm hiểu thêm về tác giả tại website riêng của ông nhé: Live Inspired.


Họa sĩ minh họa Mae Besom

Mae Besom là một họa sĩ minh họa sách tranh nổi tiếng người Trung Quốc. Cô cũng là tác giả của một số sách tranh. Cô có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều nhà xuất bản tại Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.


Mae Besom học ngành Mỹ thuật tại Sichuan Academy of Fine Arts. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình tại một NXB Truyện tranh và Công ty Phát triển game. Sau đó cô chuyển sang làm họa sĩ minh họa tự do và không ngừng học hỏi để hoàn thiện kỹ năng của mình. Cô thích vẽ cả tranh số (digital painting) và tranh truyền thống bằng màu nước. Người truyền cảm hứng cho cô chính là đạo diễn người Nhật Hayao Miyazaki.


Mời các cậu chiêm ngưỡng một số tác phẩm của họa sĩ. Các cậu cũng có thể ghé thăm Portfolio của họa sĩ để chiêm ngưỡng nhiều tranh hơn nhé.


Nguồn: Mae Basom


What Do You Do with an Idea? (2014) (5-8 tuổi)

Truyện kể về một cậu bé có một người bạn tên là Ý Tưởng (Idea). Ban đầu cậu cảm thấy hơi lo lắng và sợ Ý Tưởng nên cậu quyết định mặc kệ nó. Nhưng Ý Tưởng không từ bỏ, nó quyết định đi theo cậu bé và cuối cùng cậu cũng chấp nhận Ý Tưởng làm bạn mình. Ngày ngày, cậu chăm sóc cho Ý Tưởng cho đến khi một điều không ngờ đã xảy ra: Ý Tưởng lớn lên và nở rộ rực rỡ.


Câu chuyện này đã “tấn công” lại những “định kiến” mà chúng ta thường có đối với những ý tưởng mới. Mỗi khi nảy ra ý tưởng mới, chúng ta thường cho rằng đó là những điều vô nghĩa rồi chúng ta sợ bị mọi người chê cười vì ý tưởng điên rồ của mình. Thế nhưng, cậu bạn Ý Tưởng đã cho thấy rằng chúng ta có thể vượt qua sự nghi ngờ bản thân và những lời chỉ trích của mọi người nếu ta có niềm tin vào ý tưởng của mình. Mỗi khi nảy ra một ý tưởng mới, chúng ta chỉ cần giữ ý tưởng lại và nuôi dưỡng chúng một chút trước khi đánh giá đó có phải là ý tưởng tốt hay không. Đó chính là cho ý tưởng của bạn một cơ hội để chúng có thể trở nên vĩ đại!


What Do You Do with a Problem? (2016) (5-8 tuổi)

Truyện kể về một cậu bé bị cậu bạn tên là Vấn Đề (Problem) ghé thăm. Cậu rất hoảng sợ và muốn trốn tránh khỏi cậu bạn Vấn Đề nhưng càng trốn tránh cậu lại càng hoảng sợ. Cuối cùng, cậu quyết định sẽ đối mặt để giải quyết vấn đề. Nhờ đó, cậu phát hiện hóa ra bên trong cậu bạn Vấn Đề lại có một cậu bạn khác tên là Cơ Hội. Từ đó trở đi, cậu không còn sợ hãi Vấn Đề nữa.


Như vậy, cậu bạn Vấn Đề đã chỉ cho chúng ta thấy nếu sẵn sàng tìm kiếm, ta sẽ luôn bắt gặp cơ hội trong mỗi vấn đề. Câu chuyện này chính là lời giới thiệu về tầm quan trọng của Tư duy Sáng tạo (Creative Thinking). Khi rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo để nghĩ ra nhiều ý tưởng mới, chúng ta sẽ trở nên tự do và linh hoạt hơn. Để rồi khi một vấn đề xuất hiện, chúng ta có thể áp dụng tư duy sáng tạo để nghĩ ra nhiều giải pháp cho vấn đề đó.


What Do You Do with a Chance? (2018) (5-8 tuổi)

Trái với cậu bạn bị Vấn Đề ghé thăm trong What Do You Do with a Problem?, cậu bạn trong What Do You Do with a Chance? lại được Cơ Hội ghé thăm. Cậu đã thử nắm lấy Cơ Hội nhưng lại bị ngã nhào nên cậu thấy rất xấu hổ. Từ đó cậu chẳng thèm quan tâm đến Cơ Hội nữa và dần dần Cơ Hội cũng không còn quay lại thăm cậu. Tuy tỏ ra là mình không quan tâm nhưng trong lòng cậu lại thấy trống rỗng và nuối tiếc lắm. Rồi một ngày, cậu trông thấy một thứ lấp lánh ở phía xa. Cơ Hội đã quay trở lại với cậu…


Câu chuyện này đã đề cập đến một khía cạnh khác cũng vô cùng quan trọng trong Tư duy Sáng tạo. Đó là cởi mở với trải nghiệm mới. Ở đầu truyện, tác giả đã viết tặng riêng cho những đứa con của ông rằng: “Khi điều gì đó phi thường xuất hiện trong cuộc sống, cha mong con sẽ đón nhận nó như một món quà”. Nói cách khác, bài học mà câu chuyện mang đến cho chúng ta là: hãy luôn cởi mở với những điều mới mẻ!



23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bình luận


bottom of page