Ở phần 1, Mầm đã giới thiệu hoạt động trước khi đọc sách và 2 hoạt động sau khi đọc sách là viết Reading Log và Reading Journal/Notebook/Diary. Trong phần 2 này, Mầm sẽ giới thiệu thêm 3 hoạt động sau khi đọc sách nhé.
Hoạt động 3: Word Work
Sau khi đọc sách, trẻ chọn ra các từ mới trong 1 cuốn sách để liệt kê vào Word Work rồi đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh trong truyện. Sau 1 tuần đọc sách, trẻ có thể chọn ra 1-2 cuốn sách để thực hiện Word Work như vậy.
Hướng dẫn cách điền Word Work:
Bước 1: Liệt kê từ mới và số trang mà từ đó xuất hiện trong sách
Bước 2: Word Work #1: Từ mới số 1: viết 1 từ mới và chép câu mà từ mới đó xuất hiện.
Bước 3: Giải thích những gì đang xảy ra ở câu văn đó.
Bước 4: Đoán từ loại (dựa vào đuôi từ, dựa vào vị trí của từ trong câu...)
Bước 5: Đoán và giải thích nghĩa của từ (bằng từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa)
Bước 6: Phương pháp vừa sử dụng để đoán và giải thích nghĩa:
Visualization: tưởng tượng ra những gì xảy ra trong câu để đoán nghĩa của từ.
Definition: sử dụng định nghĩa để giải thích nghĩa của từ.
Context: dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ. Chú ý: bé không nhất thiết phải đoán chính xác nghĩa của từ vì bé chỉ đang cảm nhận nghĩa theo nội dung truyện chứ không phải học thuộc từ mới.
Root Word: dựa vào từ gốc để đoán nghĩa của từ (nếu biết nghĩa từ gốc).
Dưới đây là bản Word Work Mầm đã điền sẵn làm mẫu là file download để ba mẹ download về cho các bạn Mầm dùng nhé.
Hoạt động 4: Creative Writing
Hoạt động này phù hợp với trẻ có khả năng viết được đoạn văn hoàn chỉnh. Trẻ có thể viết lại một kết thúc khác cho truyện hoặc sáng tác thêm phần trước hoặc sau của truyện… Ngoài ra, nếu trẻ thích vẽ, có thể khuyến khích trẻ sáng tác thêm bản truyện tranh của truyện. Cha mẹ cũng có thể kết nối hoạt động Creative Writing với Word Work bằng cách yêu cầu con viết truyện có sử dụng các từ trong Word Work.
Tham Khảo Write Your Own Adventure Stories để học cách viết truyện.
Chú ý: khi trẻ đang sáng tác tuyệt đối không nên can thiệp vào cách sử dụng từ vựng, ngữ pháp, hoặc bình luận về nội dung mà để trẻ tự do sáng tác. Trẻ có thể viết sai ngữ pháp hoặc dùng từ sai nhưng cha mẹ cần nhớ khi bắt đầu nói tiếng Việt trẻ cũng sử dụng từ sai ngữ cảnh. Sau nhiều lần nói sai và được giải thích thì trẻ sẽ nói đúng. Vậy nên cha mẹ có thể góp ý và giải thích cho con sau khi con sáng tác xong chứ không nên can thiệp khi con đang viết. Ngoài ra, con cũng có thể viết những nội dung mà người lớn cho là vô nghĩa (non-sense). Ví dụ, khi Mầm dạy một bé người Hàn Quốc học tiếng Anh, bé đã sáng tác truyện tranh là người ngoài hành tinh đến trái đất và lấy hết bia và rượu Soju (một loại rượu phổ biến của người Hàn) mang lên Sao Hỏa. Đối với người lớn, đây hoàn toàn là những câu chuyện vô nghĩa nhưng các bạn nhỏ lại rất hào hứng khi sáng tác truyện như vậy vì đó là trí tưởng tượng và tư duy logic riêng của trẻ nhỏ. Hãy để con tự do sáng tác (chỉ cần nội dung phù hợp với độ tuổi của bé) vì điều quan trọng là con đang thực hiện hoạt động đọc và viết thông qua những thứ mà con yêu thích.
Hoạt động 5: Oral Presentation
Oral Presentation có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Hình thức đơn giản nhất là trẻ có thể kể lại câu chuyện, hoặc kể về những thứ trẻ thích hoặc không thích trong truyện cho cả nhà nghe. Ngoài ra, có thể hướng dẫn trẻ làm poster (tranh khổ to) về nội dung câu chuyện vừa đọc sau đó dựa vào poster để trình bày lại. Trẻ cũng có thể vẽ một poster tổng hợp các nhân vật trong nhiều truyện mà mình đã đọc sau đó kể lại nhân vật đó xuất hiện trong truyện nào, nhân vật đó đã làm gì, trẻ có thích nhân vật đó không... Dưới đây là một ví dụ về poster tổng hợp các nhân vật nổi tiếng trong truyện thiếu nhi.
Hoạt động làm poster hầu như không có quy định rõ ràng trẻ phải làm poster như thế nào, về nội dung gì… mà hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích và trí tưởng tượng của bé. Hoạt động này sẽ thú vị hơn nếu trẻ có một nhóm đọc sách cùng nhau và cùng tham gia các hoạt động kể chuyện, làm poster, thuyết trình… Khi làm poster cho nhóm, cha mẹ có thể cho các bé làm bằng giấy khổ A0 để mỗi bé đảm nhận một phần của poster.
Mầm hy vọng các gợi ý trên sẽ giúp bố mẹ nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa để hoạt động đọc sách hàng ngày trở nên thú vị và hữu ích. Nếu có ý tưởng gì hay khác bố mẹ nhớ chia sẻ thêm với Mầm nhé!
Comments