Đối với một chương trình ER, hoạt động quan trọng nhất chính là hoạt động đọc sách. Tuy nhiên, để nâng cao kết quả của hoạt động đọc sách, cha mẹ có thể hướng dẫn con thực hiện thêm một số hoạt động khác trước và sau khi con đọc truyện.
Các hoạt động trước khi đọc sách
Sau khi đã xác định được level đọc của con một cách tương đối, hướng dẫn con chọn sách phù hợp với trình độ đọc của mình. Hoặc đơn giản nhất là cha mẹ có thể sử dụng các bộ Graded Readers và giúp con chọn level phù hợp trong bộ Graded Readers đó bằng quy tắc 5 ngón tay. Điều quan trọng nhất ở bước này là để con tự chọn sách vì ER là đọc để thư giãn hoặc tìm kiếm thông tin nên con nên được lựa chọn nội dung mà con sẽ đọc.
Sau khi con chọn sách xong, cha mẹ hỏi con một số câu hỏi để gợi mở thêm về nội dung cuốn sách. Cùng Mầm tham khảo các câu hỏi có thể hỏi con trước khi đọc sách trong 21 Câu Hỏi Dành Cho Trẻ Về Một Cuốn Sách.
Các hoạt động sau khi đọc sách
Hoạt động 1: Reading Log
Giúp trẻ ghi chép lại danh sách các sách mình đã đọc vào Reading Log với các nội dung chính như ngày tháng đọc, tên sách, thời gian đọc, số trang. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ chỉ cần tạo thói quen đọc sách 20 phút mỗi ngày thì trong một năm sẽ tiếp cận được khoảng 1,8 triệu từ, và những trẻ này thường đạt điểm trên 90% trong các bài thi chuẩn hóa (Nagy and Herman, 1987). Vì vậy, việc ghi chép Reading Log sẽ giúp trẻ tạo và duy trì thói quen đọc đều đặn hàng ngày.
Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi và nhắc nhở con rằng Reading Log chỉ là một công cụ để ghi chép lại lịch sử hoạt động đọc sách của con, chứ không phải con đọc sách hàng ngày là để điền vào Reading Log cho đủ. Nhiều trẻ sẽ hình thành thói quen chỉ đọc để điền vào Reading Log để đối phó với cha mẹ nếu cha mẹ chỉ chăm chú kiểm tra Reading Log mà không quan tâm xem con đọc sách gì, con đọc có vui không…
Hoạt động 2: Reading Journal/Notebook/Diary
Đây đều là những tên gọi khác nhau cho hoạt động ghi chép nội dung sau khi đọc sách. Có 4 loại Reading Journal/Notebook/Diary phù hợp với trẻ ở các trình độ khác nhau:
Loại 1: Sentence Completion: Trẻ đọc sách và tóm tắt lại nội dung của truyện bằng cách điền vào ô trống để hoàn thành câu trả lời. Hoạt động này phù hợp với trẻ ở trình độ thấp chưa có khả năng tự viết cả câu.
Loại 2: Answering questions: Trẻ đọc sách và tóm tắt lại nội dung của truyện bằng cách trả lời câu hỏi. Hoạt động này phù hợp với trẻ ở trình độ cao hơn và đã có khả năng viết câu hoàn hình.
Loại 3: Free Writing: Trẻ đọc sách và tự viết lại hoàn chỉnh một bài viết về bất cứ nội dung nào trẻ muốn. Đó có thể là bài tóm tắt lại chuyện, kể về một chi tiết trẻ thích, những nội dung trẻ còn nhớ trong truyện, hoặc là sự trộn lẫn của tất cả các nội dung.
Loại 4: Topic Writing: Trẻ đọc sách và viết một bài theo chủ đề. Chủ đề đó có thể là bài học mà trẻ rút ra sau khi đọc, nhân vật yêu thích trong truyện, chi tiết trong truyện chưa hợp lý...
Loại 3 và Loại 4 phù hợp với trẻ có khả năng viết cả đoạn văn. Ba mẹ và các bạn Mầm cùng đón đọc phần 2 để biết thêm nhiều các hoạt động sau khi đọc sách nhé!
Nguồn Mầm tham khảo: The Extensive Reading Foundation (2001). Guide to Extensive Reading. Online: https://erfoundation.org/guide/ERF_Guide.pdf.
Comentarios