top of page

Jon Klassen và Những Chiếc Mũ

Khi I Want My Hat Back ra mắt vào năm 2011, Thời báo New York (New York Times) đã mô tả cuốn truyện là “không chỉ đơn thuần là câu chuyện khác về một chú gấu”. I Want My Hat Back trở thành câu chuyện đầu tiên trong bộ ba truyện về những chiếc mũ của Klassen. Mỗi câu chuyện có một tông giọng khác nhau nhưng cả 3 cuốn sách đều toát lên một phong cách minh họa riêng biệt của Jon Klassen.


Dưới đây là bài phỏng vấn của Read Brightly với Jon Klassen về bộ ba truyện về những chiếc mũ.

Thật vui vì được đọc hết câu chuyện này đến câu chuyện khác vì cảm xúc của mỗi câu chuyện là hoàn toàn khác nhau.

Đúng vậy. Các câu chuyện được viết trong một khoảng thời gian rất dài. Hơn nữa, vị thế của tôi khi viết từng câu chuyện cũng khác nhau.

Điều này có nghĩa là gì?

Tôi nghĩ rằng cuốn sách đầu tiên mang theo rất nhiều cảm xúc lo lắng, bất an và sợ hãi khi tôi bắt đầu viết sách.

Bởi vì đó là cuốn sách đầu tiên?

Đó là cuốn sách đầu tiên mà tôi viết. Tôi không biết mình có thể làm gì với việc viết sách. Điều này nghe như một sự châm biếm.

Điều này có vẻ như là một rủi ro khi viết sách cho thiếu nhi?

Tôi tập trung nhiều vào nỗi sợ của tôi hơn là việc tôi đang cố gắng mạo hiểm. Khi bạn sợ hãi điều gì, bạn sẽ chế giễu nó. Tôi đang tự chế giễu khả năng viết sách của mình. Trong I Want My Hat Back, các nhân vật hành động như thể họ không tin tưởng vào khả năng kể chuyện của tôi. Họ nhìn bạn và hỏi: “Tôi nên đứng ở đây à? Tôi phải đứng cạnh con cáo à?” Đó là “vị thế” của tôi khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi không tự tin.

Vậy là tôi giải quyết vấn đề theo cách đó - tôi vẽ nên những nhân vật không thực sự đứng trong câu chuyện, họ chỉ là những người chơi ngang qua và không tin vào câu chuyện.

Khi tôi đọc lại câu chuyện này vài năm sau đó, tôi bắt đầu cảm thấy có một chút xa lạ vì câu chuyện mang lại cảm giác châm biếm.

Có một quá trình phát triển từ cuốn sách này đến cuốn sách thứ ba (We Found a Hat). Ở cuốn sách thứ ba, tôi đã cố gắng trở nên chân thành hơn để tạo ra những nhân vật thực sự có trong câu chuyện, những nhân vật mang đến cảm xúc.

Tôi cũng đã cố gắng làm điều này ở cuốn sách thứ hai là This Is Not My Hat. Chú cá trong câu chuyện này đang sợ hãi. Thế nhưng, không hẳn là cậu ấy chỉ cưỡi ngựa xem hoa trong một vở kịch mà bản thân mình còn chẳng thuộc lời. Cậu thực sự là một nhân vật của vở kịch đó. Chú cá to cũng là nhân vật của vở kịch. Tất cả mọi người đều như vậy. Chú cá nhỏ vẫn nói chuyện với chúng ta nhưng chú nói theo cách mà bạn thường nói với chính mình khi cảm thấy lo lắng. Thực sự thì cậu ta đang cảm thấy lo lắng thật!

Cố gắng thuyết phục bản thân rằng bạn vẫn ổn, bạn sẽ ổn. Đó là một giọng nói nhỏ bé nhỏ nhưng vô cùng tuyệt vời.

Càng tiến sâu vào, tôi càng cảm thấy như giọng nói đó là tất cả những gì mình nghe thấy. Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ về cốt truyện nào vì tôi chỉ nghe được giọng nói đó thôi. Tôi có quá nhiều ý tưởng cho những câu chuyện nhưng tôi hoàn toàn không có một cốt truyện cụ thể nào. Tất cả những gì tôi nghe được chỉ là giọng nói đó.

Tôi đã nghe quá nhiều đến mức quên luôn cả cốt truyện khi viết truyện. Tôi nhớ lần tôi gửi bản thảo This Is Not My Hat cho biên tập viên và ngày hôm sau tôi lại tưởng: “Ôi, tôi đã gửi cho cô một câu chuyện giống với I Want My Hat Back. Hai truyện này có cốt truyện giống nhau.” Thế nhưng cô ấy lại nói: “Không, đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.”

Đúng vậy! Đó là những cảm xúc khác, nhân vật khác!

Lần này là cá.

Và cuốn sách thứ ba là sự xuất hiện của những chú rùa. Đó thực sự là một cuốn sách khác! Tôi không nghĩ cuốn sách thứ ba này khớp vào với hai cuốn còn lại nhưng tôi lại muốn như vậy.

Ý tưởng của tôi về một bộ 3 truyện là như thế này. Cuốn sách đầu tiên sẽ là những hình ảnh mạnh mẽ và mang lại cảm giác lạ lẫm vì độc giả mới lần đầu biết đến thế giới trong câu chuyện. Cuốn sách thứ hai gần như là một sự đảo nghịch hoàn toàn. Đó là một thế giới vô cùng quen thuộc và độc giả chỉ cần cảm nhận vẻ đẹp và nhanh chóng lật giở từng trang. Hai trang sách cạnh nhau trông gần giống như đó là một hình ảnh được phản chiếu qua gương và nội dung thì giống như một cuộc hội thoại. Cuốn sách thứ ba lại phát triển theo một hướng khác không khớp với hai cuốn đầu tiên. Tuy nhiên, nó được tạo ra dựa vào thế giới mà hai cuốn đầu tiên đã tạo ra. Vì vậy, nếu không có hai cuốn đầu tiên thì cuốn sách thứ ba sẽ không tồn tại nhưng cuốn thứ ba có chút gì đó tinh tế hơn.

Tôi không muốn nói những điều quá đơn giản nhưng câu chuyện thứ ba rất ngọt ngào.

Đó là một câu chuyện ngọt ngào nhưng đó lại là một thử thách đối với tôi vì ban đầu tôi không hướng đến sự ngọt ngào.

Ban đầu tôi có ý tưởng khác cho câu chuyện thứ ba. Đó là tất cả sẽ chết sau cuộc chiến tranh giành chiếc mũ. Nhưng càng viết tôi lại càng cảm thấy mình không muốn viết một câu chuyện như vậy.

Thế là tôi chuyển sang suy nghĩ theo một hướng khác. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai nhân vật trong truyện quý mến nhau?

Phần khó khăn nhất chính là tạo ra một hoàn cảnh thật tự nhiên vì tất cả mọi người đều biết động vật thường hay xung đột với nhau. Hai chú rùa và lại quý mến nhau? Tôi đã phải bắt đầu lại hoàn toàn từ vạch xuất phát.

Cuốn sách thứ ba này ít gây được chú ý nhất trong ba cuốn nhưng lại là cuốn mà tôi thấy tự hào nhất.

Bạn có nghĩ về người nào đó cụ thể khi phát triển nhân vật gấu, cá bé, hoặc hai chú rùa?

Trong hai cuốn đầu tiên tôi không nghĩ đến ai cả nhưng chú rùa tốt bụng trong cuốn thứ ba giống như anh (em) thứ hai của tôi, Will. Cả ba cuốn sách đều được dành tặng cho hai anh (em) trai tôi là Justin và Will. Justin là người mạnh mẽ nhất trong ba chúng tôi và cậu ấy đã xuất hiện đâu đó trong các câu chuyện. Will thì là một người cực kì tốt bụng, đến mức cậu ấy có lẽ chẳng bao giờ có thể đi ra ngoài và làm điều gì đó tồi tệ - giống như chú rùa đầu tiên. Sau khi cả hai chú rùa đã quyết định không lấy chiếc mũ, chú rùa tốt bụng đã thực sự đã quên luôn ý định cũ của mình một cách vô cùng dễ dàng. Cậu ấy ngay lập tức chuyển sang việc khác và nói: “Hãy đi ngắm mặt trời lặn đi.” Khi chú rùa còn lại hỏi: “Cậu đang nghĩ gì thế?”, chú rùa tốt bụng đã trả lời: “Tớ đang nghĩ về mặt trời lặn.” Đó chính là Will. Tôi tin rằng Will có khả năng tập trung suy nghĩ vào cảnh mặt trời lặn. Cậu ấy có một trái tim và lý trí mạnh mẽ để làm như vậy.

Cuốn sách thứ ba này nói về việc bạn cần cố gắng để làm như vậy mỗi ngày. Đó không phải là việc bạn có thể đưa ra quyết định và thế là xong. Bạn cần phải cố gắng rèn luyện mỗi ngày để trở thành người tốt. Cho dù chú rùa có mơ gì thì ngày mai chiếc mũ sẽ vẫn ở đó nhưng ít nhất hai chú rùa đã được nghỉ ngơi một đêm. Tôi cho rằng đó là một kết thúc buồn nhưng tôi tự hào về kết thúc đó. Kết truyện không đem lại một giải pháp nào cho vấn đề mà chỉ cho các nhân vật tạm nghỉ một chút trước khi đối mặt lại với vấn đề. Nhưng đó vẫn là một kết truyện hợp lý.

Về Jon Klassen



Jon Klassen là tác giả kiêm họa sĩ minh họa của I Want My Hat Back - tác phẩm đoạt giải sách danh dự Theodor Seuss Geisel, This Is Not My Hat - tác phẩm đoạt Huân chương danh giá Caldecott và We Found A Hat. Anh đã minh họa hai sách đoạt giải sách danh dự Caldecott của Mac Barnett là Sam and Dave Dig a HoleExtra Yarn.

Ngoài ra, Jon còn vẽ minh họa cho phim hoạt hình và các video âm nhạc.

Mầm lược dịch từ: Jon Klassen and His Many Hats.


22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page