top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

21 Câu Hỏi Dành Cho Trẻ Về Một Cuốn Sách

Nói chuyện với trẻ về những cuốn sách con đã và đang đọc là một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng đam mê đọc sách trong trẻ, đồng thời giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking). Đó đều là những hoạt động và những kỹ năng cần thiết giúp trẻ thành công tại trường học và trong cuộc sống sau này. Dưới đây là một số gợi ý để cha mẹ có thể bắt đầu cuộc đối thoại về sách với trẻ.


Trước khi con đọc sách

Để vun đắp niềm ham thích đọc sách trong con và biến đọc sách trở thành hoạt động giải trí thú vị, một trong những điều quan trọng nhất là để con được tự lựa chọn sách. Cha mẹ có thể hướng dẫn và hỗ trợ con chọn, nhưng quyết định cuối cùng phải nằm ở con. Sau khi con lựa chọn sách xong, hỏi con:

  • Tại sao con lựa chọn cuốn sách này?

  • Vì sao con nghĩ cuốn sách này sẽ thú vị?

  • Con nghĩ quyển sách này sẽ nói về chủ đề gì?

  • Cuốn sách này có gợi nhớ cho con về bất cứ thứ gì con đã đọc hoặc nhìn thấy không?

  • Liệu những nhân vật nào sẽ xuất hiện trong truyện này nhỉ?

  • Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong truyện?

Khi con đang đọc sách

Khi con đang đọc sách, thử hỏi một số câu hỏi giúp con suy nghĩ sâu hơn về nội dung con đang đọc, đồng thời giúp con tạo thói quen chia sẻ suy nghĩ với người khác.

  • Truyện đến đoạn nào rồi nhỉ? Hãy kể cho bố/mẹ nghe về những gì đã xảy ra trong truyện.

  • Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

  • Nếu con là nhân vật đấy, liệu con có hành động khác đi trong hoàn cảnh đấy không?

  • Nếu truyện này mà được biến thành phim thì ai sẽ là diễn viên phù hợp nhỉ?

  • Nếu nhân vật trong truyện là hàng xóm nhà mình, con có muốn làm bạn với bạn đấy không?

  • Con tưởng tượng ra địa điểm đấy như thế nào? Con có muốn đến thăm không?

  • Con có gặp từ mới nào không?

  • Con có muốn thay đổi tình tiết nào trong truyện không?


Sau khi con đọc sách

Con hoàn thành xong một quyển sách không có nghĩa là quyển sách sẽ kết thúc ở đó. Hỏi thêm câu hỏi để giúp con đào sâu hơn những gì đã đọc và mở rộng suy nghĩ sang nhiều nội dung mới. Cha mẹ cũng có thể dựa vào những gì con thích hoặc không thích về nội dung truyện để gợi ý có con những cuốn sách tương tự khác.

  • Đoạn nào là đoạn yêu thích nhất của con trong sách? Vì sao?

  • Đâu là nhân vật con yêu thích? Vì sao?

  • Điều thú vị nhất con học được từ cuốn sách là gì?

  • Tại sao tác giả lại viết quyển sách này nhỉ?

  • Nếu con là tác giả liệu con có kết thúc truyện theo hướng khác không? Truyện có kết thúc như con nghĩ không?

  • Vấn đề trong truyện có được giải quyết không?

  • Nếu con có thể thay đổi một điều trong truyện, con muốn thay đổi thứ gì?

Ngoài ra, cha mẹ có thể gợi ý cho con thực hiện một số hoạt động sau khi đọc. Ví dụ, nếu con thích vẽ tranh, gợi ý con vẽ tranh để miêu tả nội dung truyện sau đó dựa vào tranh để kể lại cho cả nhà nghe. Nếu truyện con vừa đọc là truyện chữ, có thể gợi ý con “sáng tác” phiên bản truyện tranh của truyện. Nếu con thích viết và sáng tác, gợi ý con viết lại kết thúc của truyện, hoặc sáng tác ngoại truyện, phần trước, phần sau của truyện, hoặc viết truyện mới về nhân vật con yêu thích trong sách.


45 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page