top of page

Giúp trẻ 0-3 tuổi làm quen với sách

Làm thế nào để bắt đầu mang sách đến với thế giới của trẻ và giúp trẻ cảm nhận được niềm vui bên những cuốn sách? Dưới đây là một số mẹo dựa trên các nghiên cứu để giúp cha mẹ bước đầu giới thiệu trẻ với những cuốn sách.

Mẹo đầu tiên và cũng là tốt nhất để bước đầu chia sẻ sách với con đó chính là vui chơi cùng nhau! Nếu trẻ tự nguyện tham gia các hoạt động và cảm thấy thích thú có nghĩa là trẻ đang học hỏi. Khi những tương tác đầu tiên của trẻ với sách là tích cực, trẻ sẽ dần hình thành những cảm nhận tốt với hoạt động đọc sách và sẽ tự tìm kiếm sách khi trẻ lớn lên. Như vậy, điều quan trọng nhất khi bước đầu giới thiệu trẻ đến với thế giới của sách. Cha mẹ không cần quá áp lực việc trẻ đọc được bao nhiêu cuốn và học được những gì, mà hãy tập trung vào cảm nhận của trẻ đối với sách như thế nào.

Ngoài ra, còn một số ý tưởng khác giúp cha mẹ mang những cuốn sách vào thế giới của trẻ một cách tự nhiên và thoải mái:

Một vài phút mỗi lần đọc là ổn. Cha mẹ không cần lo lắng nếu trẻ không hoàn thành một cuốn sách.

Trẻ nhỏ chỉ có thể ngồi một vài phút để lắng nghe một câu chuyện nhưng khi lớn hơn trẻ sẽ có khả năng ngồi lâu hơn. Hãy để cho trẻ tự quyết định thời gian mà trẻ muốn ngồi. Bạn cũng không nhất thiết phải đọc tất cả các trang. Trẻ có thể yêu thích một số trang hoặc một số bức tranh nhất định nên muốn dành nhiều thời gian ở trang đó hơn rồi đổi sang cuốn sách khác hoặc hoạt động khác. Trẻ nhỏ thậm chí chỉ muốn gặm sách nhưng điều đó hoàn toàn không sao. Nếu cha mẹ cho phép trẻ tiếp xúc với sách theo cách mà trẻ muốn thì trải nghiệm đọc sách sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.

Nói chuyện hoặc hát về những bức tranh

Cha mẹ không nhất thiết phải đọc chữ trong truyện mà có thể “đọc tranh” cho trẻ nghe. Khi trẻ lớn hơn, hãy nhờ trẻ đọc tranh cho bạn nghe.

Để trẻ lật giở trang sách

Trẻ sơ sinh chưa thể lật trang sách nhưng một đứa trẻ 18 tháng sẽ muốn thử trải nghiệm hoạt động này. Một đứa trẻ 3 tuổi hoàn toàn có thể lật giở trang sách một mình. Hãy nhớ, trẻ có thể bỏ qua một số trang sách và điều này là hoàn toàn bình thường.

Cho trẻ xem trang bìa

Cho trẻ xem trang bìa và giới thiệu với trẻ về câu chuyện bên trong. Khi trẻ lớn hơn có thể đố trẻ đoán nội dung truyện dựa vào trang bìa.

Chỉ các từ vựng cho trẻ

Chỉ tay theo chữ khi đọc truyện cho trẻ để trẻ dần kết nối chữ với cách phát âm.

Biến câu chuyện trở nên sống động

Thay đổi giọng nói và dùng ngôn ngữ cơ thể để biến câu chuyện trở nên sống động hơn. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú và bị thu hút vào câu chuyện hơn.

Cá nhân hóa câu chuyện

Kết nối câu chuyện với các sự kiện trong gia đình, cộng đồng, thú cưng của bé, v.v. để trẻ cảm thấy thân thuộc hơn. Sự quen thuộc sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với những hoạt động mới.

Hỏi trẻ câu hỏi và để trẻ hỏi lại bạn

Biến câu chuyện thành một nguồn nguyên liệu để bạn và trẻ có thể phát triển một đoạn hội thoại với nhau. Bạn có thể nói về các hoạt động gia đình hoặc các đồ vật mà bạn nhìn thấy trong tranh.

Để trẻ kể lại truyện

Trẻ 3 tuổi đã có khả năng ghi nhớ câu chuyện và rất nhiều trẻ thích tự do sáng tạo kể lại truyện theo ý thích riêng. Hãy để trẻ có cơ hội tự sáng tạo ra những câu chuyện mới dựa trên truyện đã đọc.

Cùng con làm sách

Cha mẹ có thể cùng trẻ sáng tạo nên những cuốn sách riêng bằng các bức ảnh gia đình, các bức tranh cắt từ các tờ báo, tạp chí. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể giúp trẻ tạo ra những cuốn sách bằng cách vẽ tranh, tô màu, ghép tranh từ các dụng cụ đơn giản như lá khô, giấy màu, v.v.

Biến sách trở thành một phần của các hoạt động hàng ngày

Bạn càng mang sách vào nhiều hoạt hàng ngày của trẻ thì trẻ càng cảm thấy đọc sách là một hoạt động thú vị.

  • Trong bữa ăn: hát hoặc đọc một số câu chuyện liên quan đến giờ ăn để gọi trẻ ra bàn ăn.

  • Trên xe ô tô: chuẩn bị một số sách trên xe ô tô hoặc trên xe đẩy của bé. Sách sẽ luôn sẵn sàng mỗi khi cần đến.

  • Mang một vài cuốn sách nhỏ theo: cơ hội cho bé đọc sách luôn đến nhiều lần mỗi ngày: ở phòng chờ bác sĩ, chỗ đợi xe bus, khi bé ngồi xe đẩy cùng mẹ đi siêu thị. Những lúc như vậy hãy hỏi xem bé có muốn xem một cuốn sách không.

  • Giờ ngủ: trước khi bé ngủ ngày và tối, giúp bé bình tâm lại với vài cuốn truyện kể trước giờ đi ngủ.

  • Khi tắm: các cuốn sách nhựa sẽ là những cuốn sách phù hợp với giờ tắm của bé

  • Cuối ngày: là khi cả bé và cha mẹ đều đã mệt. Cha mẹ có thể nằm xuống thư giãn cùng bé với vài cuốn sách.


20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page