Hình ảnh lũ trẻ í ới gọi nhau trong đêm trăng, nghêu ngao những ca từ ngộ nghĩnh: “Một bầy trẻ nhỏ/ Bịt mắt bắt dê/ Dê vấp bờ hè/ Ngã kềnh bốn vó/ Mọi người cười rộ/ Cố đuổi vòng quanh/ Dê chạy thật nhanh/ Túm ngay một chú”… nay đang dần phôi phai ở làng quê Việt, càng hiếm hoi nơi đô thị.
Mỗi trò chơi dân gian đều gắn liền với một bài đồng dao. Biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam đã lớn lên từ những câu hát đó. Cuộc sống hiện đại, dường như đồng dao không còn chỗ đứng trong những khu nhà cao tầng đô thị. Những đứa trẻ miền quê bây giờ cũng không còn hát “Tập tầm vông”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Thả đỉa ba ba”, “Rồng rắn lên mây”… như trước nữa.
Là những câu hát vần vè, dễ nhớ, dễ thuộc, đồng dao giống như những bài học chập chững, sơ khai về cuộc sống. Thông qua đó, các em nắm bắt được kiến thức tổng hợp về môi trường, trời đất, vạn vật, được rèn luyện ngôn ngữ, tinh thần.
“Cái mốt, cái mai/ Con trai, con hến/ Con nhện chăng tơ/ Quả mơ, quả mận/ Cái cận lên bàn đôi/ Đôi chúng tôi/ Đôi chúng nó/ Đôi con chó/ Đôi con mèo/ Hai chèo ba/ Ba đi xa/ Ba về gần/ Ba luống cần/ Một lên tư….”. Bài đồng dao giúp trẻ học đếm, cộng trừ từ chuyền một đến chuyền mười.
Đồng dao được sáng tạo đặc biệt dành cho trẻ em hoặc do chính trẻ em tự sáng tạo dưới góc nhìn cuộc sống của trẻ. Nhiều khi, lời của các bài đồng dao không có đề tài tập trung, chỉ cốt vần vè, ý nghĩa rời rạc nhưng vẫn được trẻ ưa thích bởi phù hợp với cách nhìn ngây thơ và trí lực còn giản đơn của trẻ.
Có những bài đồng dao đã khắc sâu trong trái tim và tâm trí trẻ hình ảnh sinh động của thiên nhiên và cuộc sống, bằng lối nói vừa hài hước, vừa kích thích tư duy.
Cùng một bài đồng dao có thể biến hóa nhiều lời khác nhau cho phù hợp với nhiều trò chơi dân gian khác nhau, mặc dù hoạt động chính vẫn chủ yếu chỉ là đuổi bắt. Quan sát kỹ, ta thường thấy các trò chơi lặp đi lặp lại. Âm điệu và tiết tấu các bài đồng dao cũng lặp đi, lặp lại, đơn giản và nhịp nhàng. Qua đồng dao, trẻ em có nhận biết ban đầu về âm nhạc truyền thống.
Nhưng nay, đồng dao chỉ còn trong ký ức. Hình ảnh những đứa trẻ í ới gọi nhau trong những đêm trăng, nghêu ngao những khúc ngô nghê, ngộ nghĩnh, đơn giản mà giàu nhạc điệu: “Một bầy trẻ nhỏ/ Bịt mắt bắt dê/..."… nay đang dần biến mất trong những làng quê Việt.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tâm sự: “Thế hệ chúng tôi lớn lên từ những khúc đồng dao trong các trò chơi dân gian. Nó là một phần cuộc sống nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hiện nay chúng ta chưa chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, trẻ không còn có đủ thời gian và cả không gian để chơi. Các bài đồng dao cũng cứ mai một dần trong đời sống. Đó là một thiệt thòi của trẻ”.
Những con đê, những sân đình, những khoảnh đường làng, những đêm trăng sáng… đối với trẻ em thành phố bây giờ, điều đó quá xa lạ.
Không phải không có những khúc đồng dao hiện đại như “Nghe vẻ nghe ve nghe vè nói ngược/ Xe chạy dưới nước, tàu chạy trên bờ/ Trên núi đặt lờ, dưới sông đốn củi”. Nhưng dường như sức sống của đồng dao vẫn vô cùng èo uột giữa những khối bê tông chật hẹp. Và thực tế, đồng dao đang biến mất dần trong đời sống hàng ngày.
Trẻ em nông thôn bây giờ cũng không còn thuộc các bài đồng dao, không biết chơi các trò chơi dân gian như trước nữa mà sớm bị cuốn theo những trò chơi bạo lực, đỏ đen, những bài hát tình yêu kiểu thị trường não nề và vật vã … nhiều khi du nhập do quá trình đô thị hóa.
Lý giải cho việc càng ngày đồng dao càng vắng bóng trong đời sống, Tiến sĩ Thủy cho rằng: Bên cạnh các trò chơi điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, trẻ em, nhất là trẻ em thành thị không có thời gian và không gian để chơi thì việc chưa chú trọng giáo dục đời sống đã khiến trẻ không biết chơi các trò chơi dân gian và xa lạ với các bài đồng dao. Đó là một thiếu sót của người lớn, là lỗ hổng trong phát triển tâm hồn trẻ.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi sưu tầm, lưu giữ các trò chơi dân gian, trong đó có rất nhiều bài hát đồng dao. Từ năm 2002, bảo tàng thường xuyên tổ chức các lễ hội dành cho trẻ em, trong đó có tổ chức các trò dân gian gắn liền với những khúc đồng dao nhằm giáo dục tâm hồn trẻ. Các chương trình này đều thu hút sự tham gia hào hứng của trẻ em và cả những bậc phụ huynh. Nhưng có lẽ điều đó là chưa đủ để những khúc đồng dao "sống" trong dòng chảy hiện đại.
Theo VNExpress
Comentarios