*Bài viết chỉ giới thiệu về một quan điểm giáo dục của triết gia Rousseau mà không phản ánh quan điểm của Reading Seed.
Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là một nhà triết học người Geneva. Ông là triết gia thuộc trào lưu Khai sáng (Enlightenment) và là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng Pháp (1789). Những đóng góp của ông thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Xã hội, Âm nhạc, Văn học và Giáo dục. Về mặt Giáo dục, Rousseau đã để lại một cuốn tiểu thuyết được coi là tuyệt tác về nền giáo dục công dân có tên Emile hay là Về Giáo dục (Emile or On Education). Cuốn tiểu thuyết xoay quanh việc nuôi dạy cậu bé Emile từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành. Rousseau đã giới thiệu trong cuốn sách rất nhiều các quan điểm về giáo dục và một trong số đó là Giáo dục “Phòng vệ” (Negative Education).
Giáo dục “Chủ động” (Positive Education)
Rousseau cho rằng Giáo dục Chủ động là nền giáo dục bắt đầu với việc giảng dạy về đạo đức và chân lý cho trẻ em. Điều này có nghĩa là ngay từ khi còn bé, trẻ em sẽ được giảng dạy những bài học về đạo đức, về điều gì là đúng hoặc sai, về cách mà các em nên hành xử trong từng trường hợp nhất định để có thể trở thành một con người có giáo dục. Ngoài ra, Giáo dục Chủ động còn thể hiện ở chỗ trẻ em được người lớn giảng dạy về những nhiệm vụ của mình đối với xã hội để có thể trở thành một công dân tốt phù hợp với xã hội. Ví dụ đơn giản nhất của Giáo dục Chủ động là ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em thường được đọc sách cho nghe hoặc được cha mẹ, thầy cô giảng dạy về một số bài học đạo đức như không nói dối, kính trên nhường dưới, chăm chỉ học hành…
Giáo dục “Phòng vệ” (Negative Education)
Rousseau đã giới thiệu về quan điểm Giáo dục “Phòng vệ” như sau: “...nền giáo dục đầu tiên nên hoàn toàn là Giáo dục Phòng vệ. Nó không bao gồm các việc giảng dạy về đạo đức hay chân lý mà thay vào đó là bảo vệ trái tim và tâm trí khỏi những lỗi sai.” (…the first education ought to be purely negative. It consists not at all in teaching virtue or truth but in securing the heart from vice and the mind from error).
Nếu như giảng dạy về đạo đức và những điều đúng đắn ngay từ khi trẻ còn nhỏ là Giáo dục Chủ động thì Giáo dục Phòng vệ chính là “...bảo vệ trái tim và tâm trí khỏi những lỗi sai”. Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những lỗi sai? Rousseau cho rằng trước tiên cần phải nuôi dưỡng các cơ quan (organs) - các phương tiện nhận thức để các cơ quan này trở nên tinh tường và có đủ năng lực nhận thức. Việc dạy kiến thức và điều hay lẽ phải cho trẻ (Giáo dục Chủ động) phải theo đúng tốc độ phát triển của các cơ quan này. Như vậy, nền Giáo dục Phòng vệ bắt đầu từ việc giúp trẻ trải nghiệm và cảm nhận trước rồi mới học kiến thức và các đạo lí, chứ không bắt đầu từ việc học kiến thức và các bài học đạo đức trước như Giáo dục Chủ động. Ví dụ, khi dạy trẻ không nói dối, Giáo dục Chủ động sẽ bắt đầu từ các bài giảng, các lời giải thích về việc vì sao không nên nói dối, còn Giáo dục Phòng vệ sẽ bắt đầu từ việc tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm tình huống nói dối để trẻ tự “cảm nhận” và rút ra bài học trước rồi mới nghe người lớn giảng giải sau. Rousseau cho rằng nếu đẩy nhanh quá trình giảng dạy kiến thức và đạo đức trước khi trẻ sẵn sàng, đứa trẻ sẽ chỉ làm theo vì bị bắt chứ không phải thực sự hiểu.
Một số ví dụ về giáo dục phòng vệ trong tiểu thuyết Emile
Khi dạy Emile về sự bất công (injustice), Rousseau bắt đầu bằng cách cho Emile trồng một luống cây trong vườn. Emile đã trồng và chăm bón các cây con hết sức tâm huyết và em vô cùng háo hức đợi từng ngày để cây lớn lên. Cho đến một ngày, Emile ngủ dậy và phát hiện tất cả những cây con mà em dày công chăm bón đã bị lấy trộm (đây là tình huống do Rousseau tạo ra). Sự việc khiến Emile vô cùng đau khổ và buồn bã và đó cũng chính là trải nghiệm đầu tiên về sự bất công của Emile. Emile sẽ dần dần được giảng dạy về sự bất công sau khi em đã trải nghiệm tình huống và có khả năng cảm nhận về công bằng và bất công.
Không chỉ dừng lại ở những bài học đạo đức đầu đời, Rousseau còn ứng dụng Giáo dục Phòng vệ vào việc dạy kiến thức mới cho Emile sau này. Ví dụ, khi học về sự chuyển động của Mặt Trời, Emile đã hỏi rằng học những kiến thức này để làm gì. Thay vì cố gắng giải thích về tầm quan trọng của những kiến thức khoa học này một cách nhanh chóng để đẩy nhanh quá trình học tập kiến thức mới, Rousseau đã đưa Emile vào rừng. Trong khu rừng, Emile đã bị lạc và tìm đường về nhà khiến em kiệt sức. Đúng lúc đó, Rousseau đã gợi ý Emile nhìn mặt trời để xác định phương hướng. Việc đi vòng để tạo điều kiện cho Emile trải nghiệm giá trị của các kiến thức khoa học (Giáo dục Phòng vệ) sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn việc đi thẳng và ngay lập tức giáo dục Emile về tầm quan trọng của khoa học (Giáo dục Chủ động), nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài vì khi đó Emile đã thực sự cảm nhận được giá trị của khoa học, chứ không phải hiểu về sự quan trọng của khoa học vì người lớn giải thích như vậy.
Có thể thấy rằng, Rousseau không phủ nhận Giáo dục Chủ động mà thay vào đó, ông chỉ muốn trì hoãn nó cho đến khi Giáo dục Phòng vệ cho trẻ cơ hội trải nghiệm và cảm nhận trước. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu trẻ chỉ đọc sách và học kiến thức trong sách, hoặc nghe người lớn giảng giải điều gì tốt hoặc xấu thì chưa đủ. Cha mẹ có thể tạo điều kiện cho con tương tác và trải nghiệm trực tiếp ngoài đời thực hoặc gián tiếp thông qua những câu chuyện kể để trẻ có khả năng “cảm nhận” trước rồi mới bắt đầu quá trình Giáo dục Chủ động.
Nguồn tham khảo: Rousseau, J.-J. (1979). Emile: Or, On education. New York: Basic Books.
Commentaires