ER là phương pháp tiếp cận tiếng Anh qua hoạt động chính là đọc. Khi thực hiện ER, trẻ sẽ đọc các cuốn sách dễ (sách có reading level bằng hoặc thấp hơn trình độ đọc của trẻ) nhiều nhất có thể. Ba mẹ có thể tìm hiểu kĩ hơn về ER trong các bài viết trước của Mầm nhé. Hôm nay, Mầm sẽ hướng dẫn cách thực hiện chương trình ER cơ bản tại nhà cho bé.
Bước 1: Reading Corner
Khi đọc sách ở nhà, cha mẹ thường để bé đọc sách ở bàn học hoặc nằm trên giường, trên thảm. Tuy nhiên, việc đọc sách ở bàn học có thể tạo cảm giác nghiêm túc như đang học bài nên làm giảm hứng thú với hoạt động đọc sách. Tương tự vậy, giường hoặc thảm là những nơi gắn liền với hoạt động ngủ và chơi nên có thể khiến trẻ bị sao nhãng khỏi việc đọc.
Cách tốt nhất là cha mẹ có thể “quy hoạch” một góc nhỏ trong phòng làm Reading Corner (góc đọc) cho bé. Reading Corner không nhất thiết phải là một nơi được thiết kế quá phức tạp hoặc dùng vật liệu quá đắt tiền. Đó có thể là một góc đơn giản với giá sách, một chiếc ghế dựa thoải mái/một chiếc gối lười/một túp lều và một cây đèn… Sau khi sắp xếp, cha mẹ hãy giúp bé trang trí Reading Corner với những thứ mang dấu ấn cá nhân của bé như tranh bé vẽ, đồ handmade thủ công do bé làm, các câu trích dẫn bé thích. Góc đọc này không cần thiết phải trông thật “hoành tráng”, mà quan trọng đó phải là nơi con cảm thấy thoải mái và quen thuộc với đồ cá nhân của con. Cũng giống như bàn học gắn liền với làm bài tập, giường gắn liền với hoạt động ngủ, Reading Corner là nơi gắn liền với hoạt động đọc sách thoải mái vì mục đích chính của ER là đọc để thư giãn. Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ được đọc sách ở Reading Corner. Thỉnh thoảng cha mẹ có thể gợi ý bé thay đổi địa điểm để đổi mới nhằm tạo cảm hứng cho hoạt động đọc.
Dưới đây là một số mẫu Reading Corner đơn giản cha mẹ có thể tham khảo để làm cho bé tại nhà.
Nguồn: internet
Bước 2: Library
Để thực hiện hoạt động đọc sách, xây dựng một thư viện nhỏ trong nhà là vô cùng cần thiết. Vậy xây dựng thư viện và chọn sách cho bé như thế nào?
1. Kiểm tra và xác định trình độ đọc của trẻ một cách tương đối. Nếu trẻ mới bắt đầu học phonics thì có thể coi trẻ đang ở reading level thấp nhất.
2. Dựa vào reading level của trẻ để chọn sách phù hợp: chủ yếu mua sách bằng hoặc cao hơn level đọc của bé và một số sách thấp hơn level đọc của bé. Reading level của bé sẽ tăng dần lên nên chỉ cần một ít sách thấp hơn level để tập đọc ban đầu. Dưới đây là một số lưu ý khi lên danh sách sách cho thư viện:
Ưu tiên Graded Readers vì Graded Readers là loại sách được phát triển cho trẻ học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và đã được chia reading level sẵn.
Chọn loại sách như Board Book, Picture Book, Graded Readers, Chapter Book… dựa vào độ tuổi của con.
Chọn cả truyện hư cấu (fiction) và sách phi hư cấu (non-fiction).
Chọn sách thuộc nhiều chủ đề, thể loại, của nhiều tác giả và họa sĩ minh họa khác nhau.
Chọn cả sách có nhân vật chính là nam và nữ, và đặc biệt ưu tiên một số sách về các nhóm thiểu số như: dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người da màu...
3. Đánh dấu Reading Level của sách: đây là công việc mất khá nhiều công sức nhưng sẽ giúp trẻ dễ dàng tự chọn sách sau này. Ba mẹ tham khảo các cách xác định reading level của sách và đánh dấu reading level theo Lexile Framework hoặc Fountas & Pinnel ở ngoài bìa cho từng cuốn sách. (Chú ý: không cần đánh dấu Graded Readers vì loại sách này đã được đánh dấu level sẵn).
4. Trưng bày sách: nên có một kệ nhỏ trưng bày được cả bìa sách (tham khảo hình bên dưới). Trưng bày cả bìa sách chính là một cách thu hút trẻ đọc sách. Nếu thư viện có quá nhiều sách, có thể cất sách ở giá bình thường (chỉ nhìn thấy gáy sách). Sau đó, hàng tuần cha mẹ sẽ lấy sách trên giá để đổi sách mới cho kệ trưng bày cả bìa sách.
Bước 3: Extensive Reading
Giới thiệu ER từng bước một để trẻ không bị choáng ngợp.
Bước 1: lựa chọn một quyển sách dễ cho con rồi giới thiệu các phần của một cuốn sách (bìa, tên tác giả, tên họa sĩ minh họa, nhà xuất bản…). Sau đó rủ con cùng đọc sách và hỏi một số câu hỏi như: “Ai là nhân vật chính?”, “Câu chuyện này diễn ra ở đâu?”, “Chuyện gì đã xảy ra?"...
Bước 2: Lặp đi lặp lại bước 1 trong vài ngày để con nắm được ý tưởng đọc sách để thư giãn rồi giải thích với con về sự khác biệt giữa đọc một đoạn văn ngắn trong sách giáo khoa (Intensive Reading) để học kiến thức mới và đọc cả cuốn sách dài để thư giãn. Giải thích với con mục đích chính của hoạt động đọc này không phải là để học ngôn ngữ mà là để tập đọc trôi chảy và tăng tốc độ đọc nên con có thể thoải mái đọc sách dễ mà không cần quan tâm nhiều về từ mới và ngữ pháp.
Bước 3: Con đọc sách tự chọn hàng ngày. Cha mẹ cho con biết reading level hiện tại của mình và hướng dẫn con chọn sách thấp hoặc bằng reading level đó dựa theo reading level đã được đánh dấu ngoài bìa sách. Ví dụ reading level của con là F (theo Fountas & Pinnel Level) thì hướng dẫn con chọn sách khoảng từ level D, E, F, G. Trẻ được khuyên nên đọc ít nhất 20 phút/ 1 ngày.
Bước 4: Chuẩn bị các tài liệu cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động ER tại nhà. Ba mẹ có thể tham khảo gợi ý các hoạt động phần 1 và phần 2 để giúp bé thực hiện các hoạt động tại nhà. Hoạt động quan trọng nhất hàng ngày là Reading Log nên cha mẹ cần giúp bé duy trì thói quen ghi chép lại Reading Log. Đó cũng là một cách hữu hiệu để duy trì thói quen đọc hàng ngày.
Chúc ba mẹ và bé thực hiện thành công chương trình ER tại nhà và cùng chia sẻ cho Mầm nhiều kinh nghiệm thú vị nhé!
Comments