top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Những Lợi Ích Lâu Dài của Sách Thiếu Nhi Đối Với Trẻ Em

*Bài viết của Tiến sĩ Jillian Roberts - một nhà tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên nổi tiếng ở Canada. Hiện cô đang giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý học giáo dục. Cô còn là tác giả của bộ sách thiếu nhi Just Enough. Đây là một trong những bộ bán chạy nhất và đã đoạt một số giải thưởng danh giá. Tiến sĩ Roberts sẽ giải thích tại sao việc đọc sách thiếu nhi lại vô cùng quan trọng cho sự phát triển về mặt xã hội, tâm lý và tình cảm của một đứa trẻ.

-----

Xã hội nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng đều muốn trẻ trưởng thành với các kỹ năng và đức tính như biết đồng cảm, có lòng trắc ẩn, tôn trọng và yêu thương mọi người trên thế giới. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể vun đắp những đức tính này trong mỗi đứa trẻ trong thời đại mà trẻ tiếp cận với vô số các nguồn thông tin khác nhau hàng ngày? Những ảnh hưởng mà trẻ tiếp nhận hàng ngày này sẽ hình thành nên tính cách và định hình cách trẻ nhìn nhận thế giới xung quanh. Dưới đây là một vài trong số rất nhiều ảnh hưởng tốt mà sách thiếu nhi có thể mang đến cho các độc giả nhí và các bậc phụ huynh.

Học hỏi và gắn kết

Sách thiếu nhi là một công cụ vô cùng hữu ích để vừa dạy trẻ những giá trị quan trọng vừa gắn kết với trẻ. Ví dụ, khi cha mẹ cùng con đọc sách, cha mẹ sẽ có cơ hội để xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ và đồng thời đó cũng là khoảng thời gian cha mẹ có thể cùng trẻ bàn luận về những thông điệp, những giá trị của cuốn sách vừa đọc. Vì vậy, cha mẹ cố gắng gợi ý để con chia sẻ về những điều con rút ra được từ cuốn sách và những điều con chưa hiểu. Đặc biệt là cha mẹ nên giúp trẻ kết nối những điều đã học vào cuộc sống hàng ngày của con.

Định hình những giá trị

Sách đem đến cơ hội để trẻ gián tiếp trải nghiệm những tình huống, chủ đề phức tạp và thử thách như người thân/vật nuôi mất, cha mẹ ly hôn, sự đa dạng v.v.. Những trải nghiệm gián tiếp này giúp trẻ định hình nên cách mà trẻ sẽ tiếp nhận và biết cách ứng xử trong những tình huống như vậy ngoài đời thực. Những cuốn sách như vậy giúp trẻ tư duy cởi mở hơn, hiểu biết về cuộc sống nhiều hơn và biết học cách chấp nhận và đồng cảm.

Những giá trị này, đặc biệt là sự đồng cảm, là chìa khóa cho sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc của trẻ vì trẻ biết cách đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và kết nối với mọi người xung quanh.

Nuôi dưỡng trí tưởng tượng

Nuôi dưỡng trí tưởng tượng cũng là một giá trị trọng tâm của sách thiếu nhi. Trí tưởng tượng là động lực cho sự sáng tạo và đổi mới và là cánh cửa dẫn đến những khả năng vô tận. Khi trẻ phát triển trí tưởng tượng của mình, trẻ có thể tư duy “bên ngoài chiếc hộp” (think outside of the box) để nhìn nhận những thách thức từ nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này không chỉ giúp trẻ tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề mà còn vun đắp sự đồng cảm.

Sức bật tinh thần (Resilience)

Sách thiếu nhi còn có thể minh họa cho trẻ thấy sức bật tinh thần ở con người khi những nhân vật trong truyện mắc lỗi hoặc phải đối mặt với những thử thách nhưng đã dũng cảm vượt qua để tiến lên phía trước. Ai cũng có thể thất bại và phải đối mặt với những khó khăn nhưng điều quan trọng là đứng dậy và vượt qua những thất bại đó. Đó là những bài học vô cùng quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Những đức tính và giá trị trên sẽ nuôi dưỡng và giúp trẻ trưởng thành. Như vậy, sách thiếu nhi sẽ đem đến những cơ hội vô cùng quý giá để trẻ học hỏi về thế giới xung quanh và trưởng thành với những đức tính và giá trị có ý nghĩa.


19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page