Sách tranh là những phù thủy đích thực trong thế giới văn học.
*Bài viết phản ánh ý kiến cá nhân của tác giả P. Paul. Cô là biên tập viên mục Book Review của thời báo New York và là tác giả của một số cuốn sách trong đó có cuốn “How to Raise a Reader”. Đây là cuốn sách được phát triển từ chính bài báo cùng tên của cô đã đăng trên thời báo New York và đã được Mầm biên dịch sang tiếng Việt dưới tựa đề Khơi Nguồn và Nuôi Dưỡng Tình Yêu Đọc Sách cho Con.
“Con tôi đã qua tuổi đọc sách tranh rồi!”
Tôi thường được nghe câu này mỗi khi tôi hào hứng giới thiệu về một cuốn sách tranh mới hay có ý định cho một người bạn mượn cuốn sách tranh. Câu nói này xen lẫn một chút tự nào vì ý nghĩa thực sự của nó là: con tôi đã có thể đọc độc lập và không cần sự hỗ trợ của tranh minh họa nữa. Nó đã từ bỏ thói quen đó để bước sang giai đoạn khác rồi.
Tôi nghe và thầm nghĩ rằng: “tội nghiệp đứa nhóc” và “tội nghiệp cả bố mẹ nữa”. Không ai cần “phát triển khỏi” sách tranh và chúng ta hoàn toàn không nên làm như vậy.
Mặc dù văn học thiếu nhi nói chung không được coi trọng một cách quá nghiêm túc nhưng không có kiểu sách nào bị xem thường nhiều như sách tranh. Thậm chí, loại sách board book (sách cứng) cũng ít nhất được coi trọng như một đồ chơi phù hợp cho trẻ nhỏ, còn sách nhiều chương (chapter book) trông gần giống như truyện tiểu thuyết nên được đánh giá gần giống với tác phẩm văn học đích thực. Sách tranh dường như chỉ được coi là một cây cầu nối để trẻ tiến đến những tác phẩm văn học được coi trọng hơn nên sách tranh chỉ phù hợp trong một giai đoạn ngắn cho trẻ tập đọc trước giờ đi ngủ hoặc giải lao giữa giờ học.
Hầu hết sách tranh được khuyên dùng cho trẻ từ 4-8 tuổi nhưng đó là giới hạn độc giả quá hạn hẹp của sách tranh. Chúng ta thậm chí còn bỏ sách tranh đi sớm hơn vì thông thường trẻ đã có thể bắt đầu đọc ở cuối năm mẫu giáo và cha mẹ thường mong trẻ phát triển để chuyển lên đọc những loại sách “cao cấp hơn”.
Chúng ta không nên để điều này xảy ra.
Trước tiên, chúng ta phải đánh giá đúng vai trò của sách tranh là một tác phẩm nghệ thuật nhân đôi: đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác (visual art) và nghệ thuật kể chuyện qua ngôn từ (textual storytelling). Bất cứ ai đã đọc sách tranh cho trẻ em sẽ đều được chứng kiến sự kỳ diệu của nghệ thuật nhân đôi này: đứa trẻ sẽ cười khoái chí không chỉ vì câu chuyện mà chúng được nghe mà còn vì câu chuyện riêng mà chúng tự đọc từ hình ảnh. Các họa sĩ minh họa không đơn giản chỉ là phản ánh lại nội dung được thể hiện trên chữ mà họ còn thêm các chi tiết để tạo nên câu chuyện riêng của họ, một câu chuyện song song với truyện kể từ lời.
Các nhà giáo dục gọi đó là “khả năng đọc hiểu bằng hình ảnh” (visual literacy). Đây là khả năng đọc hiểu nội dung thông qua hình ảnh và ngoài ra còn được mở rộng sang khả năng hiểu về giao tiếp và tương tác. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của thế kỉ 21 khi chúng ta ngày càng giao tiếp và tương tác với nhau nhiều hơn qua các trình chiếu Google, thuyết trình video…
Ngoài ra, sách tranh còn là một nguồn tài liệu đem đến cho trẻ những trải nghiệm vô cùng phong phú. Có thể thấy rằng, sách tranh đương đại minh họa các nhân vật (thường là trẻ em) một cách đa dạng về sắc tộc, giới tính, giai cấp, tôn giáo và địa lý. Các nhân vật này có thể đi phương tiện giao thông công cộng, lớn lên trong một gia đình đồng giới, đối với nhiều thử thách về thể chất và cảm xúc khác nhau chứ không chỉ gói gọn vào những trải nghiệm tương tự như trải nghiệm hàng ngày của các em. Những sự đa dạng này sẽ giúp trẻ hiểu, đồng cảm và hòa nhập vào một thế giới đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa tốt hơn.
Cuối cùng, sách tranh còn góp phần nuôi dưỡng lòng ham mê đọc sách lâu dài. Với những câu chuyện có cốt truyện lôi cuốn và hình ảnh minh họa thu hút, sách tranh và các loại sách truyện có tranh minh họa được trẻ em vô cùng yêu thích. Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Scholastic, 55% trẻ từ 6-8 tuổi là những độc giả tích cực và chỉ 11% trong số này vẫn duy trì thói quen đọc sách thường xuyên khi họ 15-17 tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không còn giữ được thói quen và sở thích đọc sách và một trong số đó là các tài liệu đọc không còn đem lại hứng thú cho trẻ. Các bậc phụ huynh cũng là những người góp phần tạo nên xu hướng này khi họ cố gắng "giúp" trẻ vượt qua giai đoạn đọc sách tranh càng sớm càng tốt. Nói cách khác, họ đang khước từ hoạt động đọc sách như một thú vui của trẻ để hướng trẻ tới những cuốn sách mà họ cho là nghiêm túc và sâu sắc quá sớm. Và đọc sách dần dần trở thành một nhiệm vụ, một gánh nặng mà trẻ không còn muốn duy trì.
Khi tôi nói rằng lũ trẻ chưa hết tuổi đọc sách tranh, tôi muốn nói rằng chúng sẽ không bao giờ hết tuổi đọc sách tranh. Khi tôi biết rằng 2 đứa con 11 tuổi và 14 tuổi nhà tôi vẫn còn hứng thú với sách tranh và ngay cả bản thân tôi cũng vẫn đọc sách tranh, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và có đôi chút tự hào.
Mầm lược dịch từ: Your Kids Aren’t Too Old for Picture Books, and Neither Are You
Comentarios