Câu chuyện là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về những gì ta có thể đánh mất khi cố giấu đi sự mất mát.
“Trẻ em […] là những độc giả luôn chú ý, tò mò, háo hức, tinh ý, nhạy cảm, nhanh nhạy nhất và nhìn chung là những độc giả tuyệt nhất trên Trái Đất” - đó là câu trả lời nổi tiếng của nhà văn thiếu nhi E.B. White trong một bài phỏng vấn. Ông khẳng định rằng: “Đừng bao giờ lãng phí thời gian cố gắng giới hạn các chủ đề khi viết cho trẻ em. Thay vào đó, hãy viết với một tâm hồn rộng mở!”. Tuy nhiên, những lời nói sâu sắc này của White vẫn thường bị coi nhẹ. Tolkien (nhà văn người Anh) cũng từng khẳng định rằng không bao giờ có sự tồn tại của những thứ văn chương “viết riêng cho trẻ em” và ngay cả Gaiman (nhà văn người Anh) trong “cuộc thập tự chinh” (Gaiman’s crusade) của mình cũng chống lại tư tưởng rằng trẻ em nên được che chở, vỗ về khỏi những cảm xúc khó khăn. Chúng ta phớt lờ tất cả những khẳng định sâu sắc này để rồi lại tiếp tục tự giới hạn những chủ đề mà trẻ em có thể đọc.
Chúng ta có thể thấy sự giới hạn này rõ nhất trong cách người lớn phản ứng với những khoảnh khắc khó khăn trong cuộc đời trẻ em. Họ thường cố gắng ngăn không cho trẻ em tiếp cận với những cảm giác đau buồn này. Trong văn chương, những giới hạn này thể hiện ở chỗ có rất ít những cuốn sách khơi gợi trí tưởng tượng để giúp trẻ hiểu về cái chết và sự mất mát một cách nhẹ nhàng nhất. Trong số ít những cuốn sách này, không có tác phẩm nào vừa nói với trẻ về sự mất mát vừa mang lại sự khích lệ và động viên lớn lao như The Heart and the Bottle của ngòi bút độc đáo Oliver Jeffers.
Jeffers kể câu chuyện về một cô bé “bình thường như mọi đứa trẻ khác”. Cha cô bé đã khơi nguồn và nuôi dưỡng trí tò mò của em với thế giới bao la rộng lớn qua những trang sách hấp dẫn về biển cả, về những vì sao xa xôi lấp lánh và tất cả những điều kỳ diệu trên Trái Đất này.
Độc giả có thể tận hưởng những chuyến phiêu lưu khám phá đầy hạnh phúc của người cha cùng cô bé cho đến một ngày,… cô bé phải đối diện với “chiếc ghế trống” - người cha đã đi xa.
Jeffers rất kiệm lời. Thay vào đó, ông đã pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối để vẽ lên những bức tranh minh họa nhằm khắc họa cảm xúc trống rỗng hoàn toàn khi đối mặt với mất mát.
Nếu đau buồn khiến cả người lớn cũng mất phương hướng và bóp nghẹt cảm xúc của họ, thì cô bé với trái tim bé nhỏ chưa bao giờ từng đối diện với những cảm xúc khó khăn phải làm thế nào để vượt qua? Điều này thật sự quá sức đối với em!
“Feeling unsure, the girl thought the best thing was to put her heart in a safe place.
Just for the time being.
So she put it in a bottle and hung it around her neck.
And that seemed to fix things … at first.”
(Mầm tạm dịch:
Chẳng biết nên làm gì nên cô bé đã nghĩ cách tốt nhất là cất trái tim của mình vào một nơi an toàn.
Tạm thời trong một khoảng thời gian.
Nghĩ vậy, em liền cất trái tim vào một cái lọ và đeo trên cổ.
Lúc đầu… mọi thứ dường như khá ổn.)
Simone Weil - triết gia người Pháp - đã nhận ra việc đè nén cảm xúc đau khổ sẽ khiến tâm tâm lý chúng ta bị vỡ vụn. Rilke - nhà thơ người Áo - đã viết rằng: “Cái chết là bạn của chúng ta chính bởi vì nó đưa chúng ta vào sự hiện diện tuyệt đối và đầy đam mê với tất cả những gì đang ở đây, thật tự nhiên, thật nồng nàn yêu thương”. Đúng vậy! Cô bé đã sớm nhận ra rằng khóa chặt nỗi đau cũng khiến em mất đi khả năng sống và yêu thương.
“Although, in truth, nothing was the same.
She forgot about the stars… and stopped taking notice of the sea.
She was no longer filled with all the curiosities of the world and didn’t take much notice of anything…”
(Nhưng thực tế là mọi thứ không còn nguyên vẹn như xưa nữa.
Cô bé đã quên mất những vì sao… em cũng không còn quan tâm đến biển cả.
Cô bé không còn chút gì tò mò với thế giới bao la rộng lớn bên ngoài và em cũng chẳng buồn để tâm đến thứ gì nữa…)
Một ngày nọ, khi đang dạo chơi trên bãi biển, nơi em đã từng đi dạo vui vẻ với cha mình, cô bé - giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành - bắt gặp một bé gái cũng đang dạo chơi. Em bé đó mang trong mình đầy sự tò mò, ngây thơ và bồng bột như cô ngày nào. Đột nhiên, cô nhớ lại tất cả những gì mình đã bỏ lỡ khi khóa chặt lại sự mất mát.
Vậy là, cô bắt đầu tìm cách trả tự do cho trái tim của mình khỏi “nhà tù” lọ thủy tinh - thế nhưng, lọ thủy tinh đã đóng chặt nhiều năm để tự bảo vệ mình.
“The bottle couldn’t be broken. It just bounced and bounced … right down to the sea.
But there, it occurred to someone smaller and still curious about the world that she might know a way.”
(Cô không thể đập vỡ chiếc lọ. Nó nảy lên nảy xuống… và lăn ra biển.
Ở đó, có một em bé vẫn còn đang tò mò về thế giới bao la rộng lớn. Có thể em bé đó sẽ biết cách mở chiếc lọ cho cô.)
“The heart was put back where it came from. And the chair wasn’t so empty anymore.”
(Trái tim được đặt lại vào đúng vị trí của nó. Và chiếc ghế không còn trống trải nữa.)
Trong một cuốn sách tuyệt vời, ngay cả những chi tiết nhỏ như endpapers (giấy lót có hai tờ: một tờ được dán vào bìa sách, tờ còn lại là chính là trang đầu tiên hoặc cuối cùng của quyển sách. Một quyển sách có hai endpapers) cũng được thiết kế vô cùng tỉ mỉ và tinh tế khiến độc giả mê mẩn. Bản thân nhà văn E. B. White cũng biết rõ điều này nên ông rất quan tâm đến thiết kế của endpapers trong cuốn Charlotte's Web ngay cả khi ông thừa nhận rằng: “Có lẽ chẳng có quá 1,800 người ở Mỹ biết đến từ endpaper”. Jeffers chắc hẳn cũng nhận thức được điều này nên ông đã thiết kế endpapers của cuốn sách tranh này hết sức cẩn thận và tỉ mẩn. Endpaper ở đầu sách tôn vinh mối quan hệ giữa cô bé và hình tượng một người cha gần gũi với em. Có nhiều sự hoán vị trong hình tượng này - có thể là một người cha, một người ông, cũng có thể là một người chú tốt bụng. Endpaper ở cuối sách là hình minh họa giải phẫu trái tim theo phong cách tối giản để tạo sự tò mò cho các bạn nhỏ yêu khoa học.
Như vậy, có thể nói The Heart and the Bottle đã đem lại một niềm vui không thể đong đếm được cho các bạn nhỏ ngay từ trang đầu cho đến tận trang cuối cùng!
Comments