*Bài báo đã đăng trên New York Times năm 2010 nên số liệu có thể không khớp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên bài báo vẫn phản ánh được thực trạng hiện nay ở Việt Nam là các bậc cha mẹ không muốn con đọc sách tranh nhưng luôn mong muốn con thích đọc dày sách nhiều chữ.
Trong bài báo Picture Books No Longer a Staple for Children (tạm dịch là Sách tranh không còn là loại sách thiết yếu cho trẻ em) trên New York Times, tác giả Julie Bosman đã phản ánh lại tình trạng sách tranh (picture book) không còn là một thể loại sách quan trọng trong quá trình đọc sách của trẻ em. Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng này khi các hiệu sách giảm số lượng sách tranh nhập vào vì ít người mua hơn. Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng cắt giảm số lượng sách tranh xuất bản hàng năm.
Ví dụ, nhà xuất bản Scholastic đã giảm từ 5-10% số lượng sách tranh xuất bản trong vòng ba năm qua. Don Weisberg, chủ tịch Penguin Young Readers Group, cho biết công ty đã chủ động giảm số lượng sách tranh mới kể từ ba năm trước để tập trung vào quảng cáo sách tranh cũ đã xuất bản trước đó. Còn nhà xuất bản Simon & Schuster cho biết số lượng sách tranh xuất bản của họ chỉ chiếm 20% tổng sổ sách, so với 35% vài năm trước đó. Các chuyên gia trong thị trường sách tranh cho biết nền kinh tế ảnh hưởng đến ngành xuất bản sách tranh là một phần, một phần ảnh hưởng quan trọng khác đó chính là cha mẹ.
Cha mẹ muốn con bỏ sách tranh để chuyển sang đọc Sách Nhiều chương (chapter book) có nhiều chữ càng sớm càng tốt. Justin Chanda của nhà xuất bản Simon & Schuster Books for Young Readers cho biết cha mẹ và nhà trường đang tạo một áp lực cực kì nặng nề lên lũ trẻ để bắt chúng đọc các cuốn sách dày từ sớm, họ giúp lũ trẻ tăng tốc để “tốt nghiệp sớm” khỏi sách tranh. Quản lý Ban Sách Thiếu nhi của hiệu sách Politics and Prose ở Washington, Dara La Porte, cũng cho biết khi lũ trẻ chọn sách tranh tại cửa hàng sách, cha mẹ thường ngăn cản với lí lẽ rằng: “Con có thể làm tốt hơn và nhiều hơn thế”. Áp lực nặng nề này khiến chính bản thân Dara La Porte cảm thấy cô cũng không nên cho con mình đọc sách tranh vì như vậy chúng sẽ không thể vào được Harvard. Ở nhiều hiệu sách, sách tranh còn được trưng bày cùng khu với đồ chơi và game, và tách biệt ra khỏi khu trưng bày sách.
Trước thực trạng này, các chuyên gia về kỹ năng đọc viết ở trẻ cho biết các bậc phụ huynh chưa đánh giá đúng vai trò của sách tranh đối với sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, sách nhiều chương (chapter book) tuy có nhiều chữ, có đoạn văn dài và ít tranh hơn nhưng chưa chắc đã phức tạp hơn sách tranh. Vậy vai trò của sách tranh là gì và vì sao các bậc phụ huynh nên nhìn nhận đúng để lựa chọn sách phù hợp với từng thời điểm phát triển của trẻ và tránh ép các em đọc những cuốn sách quá sức?
Sách tranh chính là chìa khóa đem đến trải nghiệm đọc tích cực đầu đời vì sách tranh tạo nên những khoảng thời gian đọc truyện thú vị mà đứa trẻ nào cũng hào hứng. Trải nghiệm tích cực trong khoảng thời gian đầu làm quen với sách là vô cùng quan trọng vì trải nghiệm này giúp nuôi dưỡng niềm ham mê đọc sách lâu dài. Ép con đọc sách nhiều chương quá sớm giống như việc bắt con làm việc quá sức nên có thể khiến trẻ coi đọc sách là một việc phải làm hàng ngày và không còn hứng thú với sách. Những đứa trẻ chuyển từ sách tranh sang sách nhiều chương quá vội vàng thường định nghĩa đọc sách đồng nghĩa với công việc.
Sách tranh mang đến trải nghiệm tương tác rất khác cho cha mẹ và trẻ vì sách tranh cho phép cha mẹ và con cùng bàn luận về nội dung truyện, tranh và từ ngữ. Những tương tác này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc hiểu nên cha mẹ cần tận dụng lợi ích này của sách tranh.
Sách tranh là trải nghiệm đa giác quan vì trẻ không chỉ được nghe câu chuyện mà còn được xem các hình ảnh minh họa, được ngửi và sờ vào các trang giấy. Trải nghiệm đa giác quan giúp hỗ trợ trí não đang phát triển của trẻ và kích thích trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của trẻ.
Sự lặp lại: sách tranh thường có sự lặp đi lặp lại của một số chi tiết nhất định nên trẻ có thể đoán trước được những sự kiện sắp xảy ra. Cảm giác “được tham gia vào câu chuyện” này khiến nhiều trẻ vô cùng háo hức. Ngoài ra, sự lặp lại về từ vựng, vần điệu và nhịp điệu giúp trẻ học từ mới và phonics (cách đánh vần), qua đó làm phong phú ngôn ngữ của trẻ.
Sách tranh giúp trẻ cảm thụ nghệ thuật trực quan (nghệ thuật thị giác). Đa số trẻ đều thích vẽ, tô màu và làm thủ công. Hiện nay, có rất nhiều tác phẩm sách tranh được các họa sĩ minh họa tập trung đầu tư vào mặt hình ảnh và màu sắc. Ngắm nhìn những tác phẩm như vậy chính là cơ hội để trẻ làm quen mới tranh vẽ, màu sắc, bố cục tranh…
Đặc biệt đối với những trẻ đọc sách tranh bằng tiếng Anh (không phải tiếng mẹ đẻ), tranh minh họa là một phương tiện tuyệt vời giúp trẻ đoán nghĩa của từ để hiểu nội dung câu chuyện mà không cần dịch ra tiếng mẹ đẻ.
Sách nhiều chương không phải lúc nào cũng phức tạp hơn sách tranh. Một số sách tranh cho trẻ lớn có sử dụng ngôn ngữ phức tạp, cốt truyện thú vị nên reading level của những quyển này có thể còn cao hơn sách nhiều chương.
Với nhiều lợi ích trên, cha mẹ nên cân nhắc và khuyến khích con đọc sách tranh khi con vẫn đang trong độ tuổi đọc sách tranh (4-8 tuổi). Độ tuổi này có thể tăng lên nếu trẻ đang đọc sách bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Cha mẹ không nên rút ngắn giai đoạn và bắt con đọc sách nhiều chữ quá sớm, đặc biệt là khi sách tranh đem lại nhiều lợi ích vô cùng to lớn đối với sự phát triển kỹ năng đọc viết của trẻ.
Nguồn Mầm tham khảo:
Comentarios