top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Nguy Hại Của Việc Không Cho Trẻ Tiếp Xúc Thiên Nhiên

“Hội chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên” được nhà khoa học Richard Louv (Mỹ) đưa ra năm 2008, nhằm cảnh báo cha mẹ về việc hạn chế trẻ em tiếp cận môi trường tự nhiên.

Hội chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên gây ra những hậu quả như béo phì và thể chất kém, kèm theo hai mối nguy hiểm lớn là khiến các giác quan của trẻ chậm phát triển, đồng thời cản trở việc xây dựng lòng tự tin của trẻ.

Vậy đưa trẻ đến gần và khám phá thiên nhiên mang lại tác dụng gì?


Nguồn: sưu tầm

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển quan trọng cần nhiều thông tin mới để kích hoạt sự phát triển trí não. Trẻ cần sử dụng đôi chân, đôi tay để cảm nhận và khám phá thế giới, từ đó phát triển tư duy logic. Thông qua đó, trẻ cũng hiểu được các quy luật tự nhiên, được truyền thêm cảm hứng và óc sáng tạo.

Thiên nhiên bồi đắp khả năng cảm nhận của trẻ

Giáo sư Howard Gardner, ĐH Harvard từng đưa ra Thuyết đa trí tuệ, năm 1983. Theo thuyết này, con người có 9 loại trí thông minh chính là Trí thông minh nội tâm, Trí thông minh hình ảnh không gian, Trí thông minh vận động thể chất, Trí thông minh âm nhạc, Trí thông minh ngôn ngữ, Trí thông minh logic toán học, Trí thông minh thiên nhiên, Trí thông minh xã hội, Trí thông minh triết học.

Trong đó, trí thông minh thiên nhiên là khả năng tinh thông trong việc nhận dạng và phân loại các chủng loại động thực vật trong môi trường. Trí thông minh này nổi bật ở những người làm vườn, trồng cây cảnh... Trẻ có trí thông minh thiên nhiên có giác quan nhạy bén, có thể khám phá và phân biệt các sự vật trong tự nhiên bất cứ lúc nào.

Thiên nhiên kích thích khả năng học tập của trẻ

Nhà bác học Darwin từng đưa ra một giả thuyết: Cùng giống nòi nhưng những con hoang dã thông minh hơn những con nuôi trong nhà. Môi trường hoang dã phức tạp liên tục kích thích động vật phản ứng và khiến chúng trở nên năng động hơn.

Các nhà thần kinh học cũng chỉ ra rằng chuột trong phòng thí nghiệm, dù có nhiều đồ chơi, vẫn không thông minh bằng những con chuột hoang dã.

Không chỉ vậy, trải nghiệm trong thiên nhiên còn là con đường hữu ích nhất để trẻ có được trải nghiệm khoa học. Các kiến thức trẻ có không nhất thiết phải lấy từ sách vở mà có thể từ tự nhiên. Vì vậy, thiên nhiên là nhà giáo dục toàn năng giúp trẻ trưởng thành.

Màu xanh thiên nhiên cải thiện khả năng tập trung của trẻ

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Michigan, Mỹ từng thực hiện một nghiên cứu về khả năng tập trung. Họ yêu cầu hai nhóm đối tượng, một đi bộ 50 phút mỗi ngày trong trung tâm thương mại, một đi bộ trong công viên. Một tuần sau, các nhà nghiên cứu đánh giá lại khả năng tập trung của các đối tượng và thấy rằng những người đi dạo trong công viên tăng 20% khả năng tập trung; trong khi những người đi bộ trong trung tâm thương mại không cải thiện.

Thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ


Nguồn: sưu tầm

Nancy - một giáo sư y khoa tại Đại học Bang New York - nhấn mạnh rằng thiên nhiên nuôi dưỡng sự sống. Thiên nhiên đồng thời chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ, giúp xoa dịu tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Lấy môi trường tự nhiên làm địa điểm, hệ sinh thái thiên nhiên làm nền tảng, sử dụng cảm nhận của trẻ như phương tiện, quá trình hòa nhập vào thiên nhiên sẽ giúp trẻ hình thành tư duy logic về đời sống xã hội và giải phóng năng lượng - điều mà nếu trong bốn bức tường, trẻ không thể có. Chỉ khi cho trẻ được trải nghiệm cuộc sống, bạn có thể thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.

Làm thế nào để cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên?

Cha mẹ cần tạo cho con nhiều cơ hội để gần gũi với thiên nhiên. Vào cuối tuần và ngày lễ, bạn có thể chọn đưa con đi công viên, vào rừng, ra biển... Cho trẻ quan sát và cảm nhận thiên nhiên bằng các giác quan, để trẻ được sờ vào hoa lá, cây cối, ngửi mùi của thiên nhiên, đi chân trần trên đất...

Nếu không thể cho trẻ ra ngoài thiên nhiên thường xuyên, bạn có thể cho trẻ làm những việc đơn giản trong chính ngôi nhà của mình, ví dụ trồng rau, chăm chậu hoa, hoặc dạy trẻ vẽ tranh thiên nhiên từ các vật liệu đa dạng. Trong quá trình đó, trẻ học được sự đồng cảm, phát triển lòng yêu thương động vật, thực vật. Nhờ thế, khi trưởng thành, trẻ có một thể chất tốt, một tâm hồn đẹp.

Nguồn: theo VNExpress


8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page