Ở bài viết trước Mầm đã giới thiệu với các bạn về kỹ năng đọc hiểu (reading comprehension). Kỹ năng đọc hiểu được chia thành hai kỹ năng liên quan đến nhau là kỹ năng đọc chữ và kỹ năng hiểu những chữ vừa đọc. Nhiều người cho rằng đọc hiểu là một quá trình đơn giản nhưng trên thực tế đó là một quy trình phức tạp. Để rèn luyện được kỹ năng đọc chữ và kỹ năng hiểu những chữ đã đọc, trẻ cần luyện được nhiều kỹ năng nhỏ khác. Dưới đây là 6 kỹ năng quan trọng nhất để giúp trẻ xây dựng kỹ năng đọc hiểu và cách giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng này.
1. Decoding (Ghép vần)
Mỗi chữ cái hoặc nhóm chữ cái lại tương ứng với các cách phát âm khác nhau. Kỹ năng decoding chính là kỹ năng đọc được từ dựa vào khả năng khi nhớ các cách phát âm của từng chữ cái hoặc nhóm chữ cái. Ví dụ, khi nhìn thấy từ SUN, trẻ sẽ nhớ chữ cái S được phát âm là /s/ để ghép vần với các chữ cái khác trong từ.
Decoding là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình đọc và đó chính là kỹ năng nền tảng cho các kỹ năng đọc khác. Cùng trẻ đọc các cuốn sách gieo vần (như thơ, nursery rhymes) sẽ giúp trẻ nhanh chóng ghi nhớ âm thanh của các chữ và nhóm chữ khi ghép với nhau. Ba mẹ có thể tham khảo các cuốn thơ hoặc văn vần trong vườn nhà Mầm nhé.
2. Fluency (Đọc trơn)
Đọc trơn là kỹ năng đọc nhanh mà không bị vấp quá nhiều lần hoặc đọc sai quá nhiều từ. Để có khả năng đọc trơn, trẻ cần nhanh chóng nhận ra từ (word recognition) mà không dựa quá nhiều vào quá trình decoding. Theo nghiên cứu, một đứa trẻ cần gặp một từ khoảng 4-14 lần để từ đó trở thành “sight word” (từ mà trẻ có thể đọc ngay lập tức mà không cần đánh vần từng bước). Vì vậy, cách nhanh nhất để luyện kỹ năng đọc trơn là giúp trẻ tập đọc nhiều nhất có thể sau khi trẻ đã đạt được kỹ năng decoding.
Ở bước này, điều quan trọng là ba mẹ cần chọn cho trẻ những cuốn sách phù hợp với trình độ đọc để trẻ có cơ hội đọc đi đọc lại những từ đã biết cách ghép vần. Nếu chọn những cuốn sách quá khó có thể sẽ khiến trẻ nản chí khi phải gặp quá nhiều từ mới mà trẻ chưa biết cách ghép vần.
3. Vocabulary (Từ vựng)
Để hiểu nội dung vừa đọc, trẻ cần hiểu được nghĩa của hầu hết các từ vựng trong nội dung đó. Có một vốn từ vựng phong phú và giàu có là một điều kiện đặc biệt quan trọng giúp trẻ đọc hiểu nội dung sách.
Càng tiếp cận với nhiều từ thì vốn từ vựng của trẻ càng trở nên phong phú và giàu có hơn. Vì vậy, khi trẻ đã có thể đọc trơn, cha mẹ cố gắng khuyến khích trẻ đọc nhiều nhất có thể để có nhiều cơ hội tiếp xúc với các từ vựng mới. Đặc biệt, tạo điều kiện và khuyến khích trẻ đọc sách thuộc nhiều thể loại, chủ đề khác nhau để làm phong phú thêm vốn từ vựng. Ngoài ra, có thể cùng trẻ bàn luận về các chủ đề trong cuộc sống hàng ngày và các chủ đề trong sách trẻ đọc để tạo cơ hội cho trẻ sử dụng vốn từ ngữ mình có. Ngoài ra, chơi game liên quan đến từ vựng cũng là một cách thú vị giúp trẻ học và ghi nhớ thêm từ vựng. Ở các bài viết sau Mầm sẽ giới thiệu một số trò chơi đơn giản giúp bé luyện từ vựng nhé.
4. Sentence construction and cohesion (Cấu trúc câu và sự liên kết)
Sentence construction (cấu trúc câu) là quy tắc sắp xếp các từ để tạo thành câu. Cohesion (sự liên kết) cách các câu liên kết với nhau để thể hiện các ý tưởng. Các kỹ năng này có vẻ như liên quan đến kỹ năng viết nhiều hơn kỹ năng đọc nhưng đó cũng là những kỹ năng quan trọng giúp trẻ đọc hiểu. Khi biết tạo thành câu và liên kết câu với nhau, trẻ sẽ có khả năng hiểu được toàn bộ nội dung chính của cả bài.
Để rèn luyện kỹ năng này, trẻ cần người lớn có kiến thức chuyên môn hoặc thầy cô giáo hướng dẫn các cấu trúc câu cơ bản và cách kết nối một ý tưởng bằng nhiều câu.
5. Background knowledge (Kiến thức nền)
Khi đọc một nội dung mới, trẻ sẽ liên kết nội dung đó với những kiến thức đã biết (kiến thức nền) để hiểu nội dung vừa đọc. Vì vậy, có một vốn kiến thức nền phong phú sẽ giúp trẻ dễ dàng đọc hiểu các nội dung mới hơn.
Để có một nền tảng kiến thức phong phú, trẻ không nhất thiết chỉ đọc sách. Trẻ hoàn toàn có thể thu được nhiều kiến thức khác nhau qua các bộ phim, các chương trình truyền hình, các tác phẩm nghệ thuật, các viện bảo tàng, qua trải nghiệm thực tế và qua các cuộc nói chuyện với người khác, v.v. Những điều cha mẹ có thể giúp trẻ “sưu tầm” được nhiều kiến thức là nói chuyện với trẻ và tạo điều kiện để được trải nghiệm nhiều nhất có thể.
6. Memory and attention (Trí nhớ và sự tập trung)
Tập trung là khả năng suy nghĩ về những gì đang đọc mà không bị ảnh hưởng bởi những gì diễn ra xung quanh. Sự tập trung giúp trẻ ghi nhớ các thông tin vừa đọc để hiểu nội dung chính của toàn bài.
Để giúp trẻ tập trung hơn, cha mẹ cần chọn cho trẻ những cuốn sách phù hợp mà trẻ cảm thấy hứng thú. Có nhiều cách để giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn và một trong số những cách thú vị nhất là chơi các game về trí nhớ.
Comments