top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Điều gì diễn ra trong bộ não của trẻ khi được nghe cha mẹ đọc truyện?

“Con muốn đọc The Three Bears!” (Ba Chú Gấu).

Cha mẹ, người trông trẻ hoặc cô giáo có rất nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu này của trẻ như: bật phim hoạt hình, đọc sách tranh cho bé hoặc bật sách nói (audio book) cho bé nghe, v.v.

Một nghiên cứu mới ra gần đây sẽ cho ta biết hoạt động não bộ của trẻ trong từng trường hợp trên. Tác giả chính của nghiên cứu này, tiến sĩ John Hutton, cho rằng có “hiệu ứng Goldilocks” diễn ra trong đầu trẻ (*hiệu ứng hoặc nguyên lý Goldilocks được đặt tên theo cô bé Goldilocks trong truyện “The Three Bears”. Trong câu chuyện này, cô bé đã nếm thử ba bát cháo và quyết định rằng mình thích bát cháo “vừa phải” nhất - một bát cháo không “quá nóng” cũng không “quá lạnh”). Điều này có nghĩa là sẽ có một vài cách kể chuyện “quá nóng” trong khi một vài cách lại “quá lạnh”, và tất nhiên sẽ có những cách kể chuyện “vừa phải”.

Tiến sĩ Hutton là một nhà nghiên cứu và bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Cincinnati. Ông có mối quan tâm đặc biệt đến "khả năng tập đọc và viết" (emergent literacy) - hay chính xác là quá trình bắt đầu học đọc và viết của trẻ.

Tiến sĩ John Hutton. Ảnh: www.cincinnatichildrens.org/

Trong nghiên cứu này, 27 trẻ 4 tuổi sẽ tham gia chụp cộng hưởng từ fMRI (*một loại máy đo những thay đổi nhỏ trong lưu lượng máu ở các phần não đang hoạt động). Các em sẽ được tiếp cận với câu chuyện dưới ba hình thức: (A) chỉ nghe audio, (B) vừa nhìn trang sách tranh vừa nghe audio, và (C) xem phim hoạt hình. Cả ba phiên bản của câu chuyện đều được lấy từ một nguồn. Khi các em đang tập trung nghe hoặc xem truyện, máy chụp cộng hưởng từ fMRI sẽ quét các phần trong những mạng lưới của bộ não (brain networks) đang được kích hoạt và mối liên kết giữa các mạng lưới này.

Hutton giải thích: “chúng tôi cho rằng các mạng lưới trong bộ não nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi câu chuyện”. Nghiên cứu của Huton quan tâm đến bốn mạng lưới chính: (1) ngôn ngữ, (2) nhận thức trực quan (visual perception), (3) hình ảnh thị giác (visual imaginary), và (4) chế độ mặc định của mạng lưới (default mode network). Trong đó, Hutton giải thích mạng lưới thứ tư là chính là chế độ hoạt động của não khi não đang không chủ động tập trung vào làm một việc gì nhất định. Nói cách khác, khi não đang “lang thang” không tập trung vào bất cứ công việc nhất định nào, sẽ vẫn có những phần trong não đang hoạt động mà không phụ thuộc vào sự kích hoạt từ bên ngoài, và đó chính là chế độ mặc định của các mạng lưới.


(*nhận thức trực quan (visual perception): khả năng tiếp nhận, giải thích, và phản ứng lại các kích thích thị giác của bộ não.

*hình ảnh thị giác (visual imaginary): kỹ thuật ghi nhớ dựa vào việc bộ não tạo ra các hình ảnh khi tiếp nhận thông tin mới để não có thể nhớ lại các thông tin đó dễ dàng hơn trong tương lai.)

Kết quả của nghiên cứu như sau:

(A) chỉ nghe audio (quá lạnh): mạng lưới (1) ngôn ngữ được kích hoạt nhưng tổng thể có rất ít mối liên kết giữa các mạng lưới với nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Có các bằng chứng cho thấy trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu câu chuyện” trong điều kiện chỉ nghe audio.

(C) xem phim hoạt hình (quá nóng): mạng lưới (1) ngôn ngữ và (2) nhận thức trực quan được kích hoạt hết sức mạnh mẽ nhưng lại có rất ít các mối liên kết giữa các mạng lưới trong não với nhau. Hutton giải thích: “Mạng lưới ngôn ngữ phải hoạt động mạnh mẽ để giúp đứa trẻ theo kịp câu chuyện”. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng có ít các mối liên kết giữa các mạng lưới với nhau là bởi hoạt hình đã làm giúp đứa trẻ công việc nặng nhọc nhất - kết nối ngôn ngữ với hình ảnh nên não trẻ không cần thực hiện công việc này. Khả năng hiểu và nhận thức câu chuyện của trẻ trong trường hợp này là yếu nhất.

(B) vừa xem sách tranh vừa nghe audio: đây là điều kiện mà Hutton gọi là “vừa phải”. Trong điều kiện này, nhóm nghiên cứu nhận thấy mạng lưới (1) ngôn ngữ được kích hoạt yếu hơn ở hình thức (A) chỉ nghe audio, nhưng mối liên kết giữa hai mạng lưới với nhau và giữa cả bốn mạng lưới với nhau trở nên mạnh mẽ hơn. Ngôn ngữ được kích hoạt yếu hơn là bởi trẻ không chỉ tập trung vào nguồn duy nhất là ngôn ngữ như hình thức (A) để hiểu chuyện mà còn có thể dựa vào gợi ý là hình ảnh minh họa. Chính sự giảm tập trung vào ngôn ngữ và tăng tập trung vào hình minh họa và cố gắng kết nối cả hai yếu tố này với nhau để hiểu câu chuyện đã khiến cho mối liên kết giữa các mạng lưới trở nên mạnh mẽ hơn.


Nói cách khác, xem phim hoạt hình giống như ăn một món nấu sẵn để trẻ chỉ cần ăn mà không cần làm gì thêm. Được nghe đọc sách có tranh minh họa giống như thực phẩm thô cần trẻ nấu trước khi thưởng thức. Như vậy khi nghe cha mẹ đọc sách tranh, não trẻ đang vận động nhiều hơn những gì người lớn có thể nhìn thấy. Chúng đang phát triển các “nhóm cơ” để tự xây dựng lên những hình ảnh trong đầu mình.


"Xem phim hoạt hình giống như ăn một món nấu sẵn để trẻ chỉ cần ăn mà không cần làm gì thêm". Ảnh: motherandbaby

Hutton giải thích thêm: “Đối với trẻ 3-5 tuổi, mạng lưới (3) hình ảnh thị giác và (4) chế độ mặc định của mạng lưới phát triển chậm hơn [mạng lưới (1) và (2)] nên trẻ cần phải được luyện tập để kết nối dần hai mạng lưới này vào các hoạt động chung của não bộ. Khi xem quá nhiều phim hoạt hình, có thể trẻ sẽ nhỡ mất cơ hội để phát triển hai mạng lưới này và thậm chí còn có nguy cơ không liên kết mạnh mẽ được hai mạng lưới này với các mạng lưới còn lại trong não”. Khi những đứa trẻ này lớn hơn và bước vào giai đoạn đọc sách nhiều chữ (chapter book), chúng có thể vừa bị choáng ngợp trước khối lượng ngôn ngữ cần xử lý, vừa yếu kỹ năng tạo ra hình ảnh trong não dựa vào nội dung đã đọc. Điều này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu nội dung đã đọc nên chúng thường được xếp vào nhóm trẻ đọc chậm (reluctant reader) - nhóm có bộ não chưa được rèn luyện nhiều để đọc sách.

Có một chú ý khá thú vị đối với nghiên cứu này là trẻ em phải ngồi cố định trong máy chụp cộng hưởng từ. Điều kiện này rất khác biệt so với điều kiện thường ngày khi các em được ngồi cạnh cha mẹ và nghe đọc truyện. Có hai điểm thiếu sót ở đây: một là sự gần gũi về mặt cơ thể và cảm xúc, hai là quá trình trao đổi được gọi là “đọc sách đối thoại” (dialogic reading) khi cha mẹ vừa đọc sách vừa tương tác với con về nội dung và hình ảnh trong sách. Đó là những yếu tố khác trong quá trình xây dựng kỹ năng đọc cho trẻ.


"Lý tưởng nhất là cha mẹ nên ngồi cùng để đọc sách cho con." Ảnh: asset global

Tuy nhiên, nghiên cứu nhỏ này đã chỉ ra rằng khi vừa xem sách tranh vừa được nghe đọc, các mạng lưới trong bộ não trẻ được kích hoạt và các liên kết giữa các mạng lưới này xuất hiện nhiều hơn so với khi trẻ chỉ nghe đọc sách (audio book) hoặc chỉ xem hình ảnh động (hoạt hình). Vì vậy, lý tưởng nhất là cha mẹ nên ngồi cùng để đọc sách cho con. Trong trường hợp cần sử dụng các thiết bị điện tử, cha mẹ cố gắng cho trẻ vừa xem sách vừa nghe đọc sách thay vì chỉ nghe tiếng đọc (audio book) hoặc chỉ xem hình ảnh động (hoạt hình).



(*Phần do người dịch chú thích thêm)


170 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page