top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Khơi nguồn và Nuôi dưỡng Tình yêu Đọc sách cho con (Phần 2)

*Lược dịch từ bài báo How to Raise a Reader (The New York Times). Bài báo nhận được nhiều quan tâm và đã được tác giả xuất bản thành sách cùng tên.


Tác động tích cực của việc đọc sách đến sự phát triển của trẻ ở mọi giai đoạn đã được các nhà khoa học nghiên và chứng minh. Dưới đây là một số lời khuyên và các mẹo hay giúp cha mẹ khơi nguồn và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con.


Phần 2: Nuôi Dưỡng


3. Đối với trẻ bắt đầu học chữ và ghép vần (4-5 tuổi)

Đây là thời điểm con bắt đầu học chữ và tập đọc các từ đơn. Cha mẹ hãy:


- Đổi vai trò: bình thương cha mẹ thường là người đọc sách cho bé nghe. Đến giai đoạn này cha mẹ hãy "nhờ" bé đọc sách cho nghe. Có thể chỉ vào một số từ mà con đã biết và khuyến khích con đọc với sự thoải mái, vui vẻ.


- Tiếp tục duy trì hoạt động đọc sách cho con: được cha mẹ đọc sách cho nghe mang đến cảm giác thoải mái dễ chịu và đó cũng là một phần của sự liên kết giữa con và cha mẹ. Dừng đọc sách cho con đột ngột có thể khiến con cảm thấy biết đọc sách là mối đe dọa cho sự thoải mái và sự gắn bó với cha mẹ. Cha mẹ có thể tiếp tục cùng con đọc những cuốn sách tranh con thích, hoặc đọc cho con nghe những cuốn sách phức tạp hơn mà con chưa tự đọc được.


- Hãy cảm thấy thoải mái nếu con đọc chậm: trẻ học đọc ở các thời điểm khác nhau và theo tốc độ khác nhau nên cha mẹ không cần cảm thấy áp lực khi con đọc chậm hơn bạn bè. Những đứa trẻ biết đọc muộn hơn thường trở thành người thích đọc sách hơn khi lớn lên.


- Không biến việc đọc trở thành một công việc: đây là thời điểm con gặp nhiều áp lực vì bắt đầu phải học đọc ở trường. Cha mẹ có thể giúp đỡ con học đọc thay vì đặt mục tiêu và bắt con đạt được. Hãy nhớ vai trò lớn nhất của cha mẹ là nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con!


4. Đối với trẻ bắt đầu có khả năng đọc độc lập

- Cha mẹ tiếp tục duy trì thói quen đọc sách cùng con. Ngoài ra, cung cấp cho con thêm nhiều nguồn sách mới phong phú và cố gắng gợi mở với con các cuộc nói chuyện về nội dung những cuốn sách mà con đang đọc. Ví dụ, khi con chơi cùng bạn, cha mẹ có thể hỏi bạn của con đang đọc sách gì và gợi mở ra cuộc đối thoại về cuốn sách đó. Con có thể cảm thấy thích thú với những cuốn sách mà các bạn khác đang đọc.


- Giải thích với con đọc sách là một cách thư giãn của người trưởng thành và khuyến khích con thực hành tự đọc sách một mình trong một khoảng thời gian nhất định như người trưởng thành.


5. Đối với trẻ đọc chậm (hoặc trẻ thích đọc hình ảnh hơn chữ)

Trẻ không thích đọc nhiều chữ thường bị “gắn mác” là đọc chậm (reluctant readers) trong khi thực tế chỉ là nhiều trẻ thích đọc hình ảnh hơn đọc chữ (visual readers). Cha mẹ không cần quan tâm đến những “nhãn mác” này mà quan trọng là tìm sách con thực sự thích. Một số lời khuyên dành cho cha mẹ:


- Lựa chọn sách truyện có nhiều hình ảnh. Các loại tiểu thuyết đồ họa (graphic novel) và truyện tranh (comics và manga) rất phù hợp với trẻ thích đọc hình ảnh. Ngoài ra, có nhiều sách có chương (chapter book) cũng sử dụng nhiều hình ảnh. Một số truyện có nhiềuhình ảnh được trẻ em yêu thích là: The Diary of a Wimpy Kid, -Storey Treehouse, Geronimo Stilton...


- Sách về trò chơi điện tử cũng là sách! Hãy chọn sách theo đam mê của con. Nếu con thích chơi điện tử, chọn sách về trò chơi điện tử, nếu con thích nấu ăn, chọn sách về nấu ăn… Sau đó, mở rộng dần từ các loại sách này sang tiểu thuyết đồ họa và truyện tranh, rồi đến truyện chữ.


- Đừng quên sách phi hư cấu (Các loại sách viết về người thật, việc thật, sự kiện thật...)! Nhiều trẻ không thích đọc chữ nhưng lại thích thu thập thông tin. Có rất nhiều sách phi hư cấu cho trẻ em được trình bày dưới định dạng hình ảnh. Quan trọng là tìm được chủ đề trẻ quan tâm!


- Tuyêt đối không coi đọc sách như việc vặt. Không giao hẹn với con rằng nếu con đọc sách 30 phút con sẽ được chơi ipad/ăn kem/thưởng tiền…


(𝐶𝑜̀𝑛 𝑡𝑖𝑒̂́𝑝...)🌿



15 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page