*Lược dịch từ bài báo How to Raise a Reader (The New York Times). Bài báo nhận được nhiều quan tâm và đã được tác giả xuất bản thành sách cùng tên.
Tác động tích cực của việc đọc sách đến sự phát triển của trẻ ở mọi giai đoạn đã được các nhà khoa học nghiên và chứng minh. Dưới đây là một số lời khuyên và các mẹo hay giúp cha mẹ khơi nguồn và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con.
Phần cuối: Chọn sách
1. Board Book (Sách bìa cứng): trẻ từ 0-3 tuổi
Board Book là loại sách tranh nhỏ vừa với bàn tay trẻ và các trang đều được làm từ bìa cứng. Từ ngữ và hình ảnh trong Board Book đóng vai trò tương đương nhau trong việc thể hiện nội dung sách. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng đọc hình ảnh sẽ giúp trẻ phát triển khả năng đọc chữ sau này nên Board Booklà một khởi đầu hoàn hảo để trẻ hoàn thiện kỹ năng này. Lời khuyên cho cha mẹ khi chọn Board Book:
- Chọn sách có hình ảnh thân thuộc với trẻ như khuôn mặt em bé, các vật dụng trong nhà.
- Chọn sách có hình ảnh to và tươi sáng và có ít chữ. Đối với trẻ sơ sinh có thể bắt đầu bằng sách có họa tiết to màu đen trắng.
- Chọn những quyển sách trẻ phải sử dụng tay để đọc như: sách lật dở (lift the flap), sách chạm và cảm nhận (touch and feel), sách kéo (pull the tabs).
⚠️Lưu ý quan trọng:
- Tránh mua sách có âm thanh: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị âm thanh kích thích quá mức. Tốt nhất cha mẹ nên tự đọc và tạo ra âm thanh cho bé nghe.
- Tránh mua sách có quá nhiều chữ và ít hình ảnh.
2. Picture Book (Sách tranh): trẻ từ 2-8 tuổi
Picture Book thường to hơn Board Bookvà các trang sách là giấy mỏng dễ xé. Nội dung Picture Book cũng dài và phức tạp hơn. Cha mẹ có thể kết hợp đọc cả Picture Book cho trẻ sơ sinh nhưng thời điểm phù hợp để đọc nhất là khi trẻ lên 2. Lời khuyên khi chọn Picture Book:
- Chọn sách có cả tranh minh họa ở ngoài bìa và tranh vẽ bên trong ấn tượng (với những câu từ ý nghĩa) vì tranh minh họa là một phần quan trọng của Picture Books.
- Nếu chưa có ý tưởng chọn sách, có thể lựa theo tên nhà văn và họa sĩ minh họa nổi tiếng, hoặc chọn theo sách đoạt giải thưởng danh giá như Caldecott, Newbery.
- Chọn sách có tranh minh họa gợi mở nhiều ý nghĩa hơn cả câu văn. Một số sách tranh thậm chí chỉ có tranh minh họa mà không có câu văn (wordless picture book)
- Chọn sách có động vật là nhân vật chính: giúp trẻ suy nghĩ về vấn đề ở một khoảng cách cảm xúc an toàn (vì đó là vấn đề của động vật không phải của con người). Ngoài ra, động vật thường trung tính về giới tính nên phù hợp với cả bé trai và bé gái.
- Chọn sách tranh phi hư cấu (là những sách viết về người thật, việc thật, thông tin thật được minh họa bằng tranh) giúp biến kiến thức khô khan trở nên thú vị hơn.
3. Graded Readers Series (Sách chia level): trẻ từ 4-7 tuổi
GRS là những bộ sách được viết riêng cho trẻ học tiếng Anh bắt đầu tập đọc. Bộ sách được chia theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó. Các bộ sách này được kiểm soát chặt chẽ về mặt từ vựng, ngữ pháp, cốt truyện, hình ảnh… để phù hợp với từng trình độ đọc. Một số GRS nổi tiếng cha mẹ có thể tham khảo: Usborne First Reading (NXB Usborne), Oxford Reading Tree (NXB Oxford), I Can Read (NXB HarperCollins), Step Into Reading (NXB Random House).
4. Chapter Book (Sách có chương): trẻ từ 6-10 tuổi
Chapter Book là các truyện có nhiều chữ và ít tranh minh họa hơn các loại sách trên. Sách cho độc giả nhỏ tuổi thường được phát hành theo bộ vì trẻ nhỏ có xu hướng trung thành với một nhân vật quen thuộc. Một số bộ Chapter Book nổi tiếng cha mẹ có thể tham khảo: The - Storey Treehouse, Diary of a Wimpy Kid, Dog Man, The Notebook of Doom...
5. Middle Grade Book: trẻ từ 8-12 tuổi
Middle Grade Book là các tiểu thuyết thiếu nhi cho trẻ từ 8-12 tuổi. Truyện thường không có hình ảnh, cốt truyện phức tạp hơn và có số lượng nhân vật nhiều hơn so với các loại sách trên. Nội dung truyện thường tập trung vào các vấn đề mà trẻ ở độ tuổi này trải qua như tình bạn, gia đình, trường học, sự thay đổi trên cơ thể... Một số Middle Grade Book hiện đại nổi tiếng: Wonder, Fish in a Tree, Counting by 7s.
Comments