top of page
Ảnh của tác giảReading Seed

Các phương pháp kiểm tra kiến thức trong Extensive Reading (Assessment)

Extensive Reading (ER) là phương pháp học tiếng Anh qua hoạt động chính là đọc sách. Khi thực hiện ER, học sinh sẽ đọc nhiều sách nhất có thể để thư giãn và tìm kiếm thông tin. Mục đích chính của ER không phải là để dạy trẻ các kiến thức về ngôn ngữ như ngữ pháp, từ vựng mà giúp trẻ đọc trôi chảy và tăng tốc độ đọc. (Điều này không có nghĩa là trẻ sẽ không học được kiến thức mới vì có nhiều nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng tích cực của ER lên sự phát triển ngôn ngữ toàn diện của trẻ - Mầm sẽ giới thiệu ở các bài viết sau). Với mục đích như vậy, chương trình ER thường không có các bài thi và bài kiểm tra chính thức (formal test) để kiểm tra kiến thức của học sinh sau một quá trình học. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn luôn mong muốn kiểm tra được kiến thức để theo dõi sự phát triển của con. Vì vậy, Tổ chức Extensive Reading (Extensive Reading Foundation) đã gợi ý một số phương pháp theo dõi sự phát triển của trẻ trong quá trình thực hiện hoạt động ER.


Graded Readers test

Nếu trẻ sử dụng Graded Readers cho các hoạt động đọc sách, cha mẹ có thể theo dõi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng cách tăng level sách của con sau một khoảng thời gian nhất định (2 tuần - 1 tháng) và kiểm tra xem con có hiểu không. Có thể sử dụng quy tắc 5 ngón tay hoặc hỏi một số câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu của con. Ví dụ con bắt đầu đọc sách ở level F (Fountas&Pinnell level) thì sau vài tuần - 1 tháng, cha mẹ có thể tăng lên level H, I, K hoặc cao hơn và kiểm tra mức độ đọc hiểu của trẻ.


Kiểm tra gián tiếp (Indirect Assessment)

Cách 1: Báo cáo, tóm tắt sách, thuyết trình, làm poster...

Ở các bài viết trước Mầm đã giới thiệu một số hoạt động trẻ có thể thực hiện sau khi đọc sách như viết reading journal (book report), sáng tác truyện, làm poster để thuyết trình. Cha mẹ có thể theo dõi chất lượng sản phẩm trẻ làm trong các hoạt động này để đánh giá mức độ hiểu nội dung sách đã đọc của trẻ. Tuy nhiên, phương pháp theo dõi này đòi hỏi cha mẹ phải có trình độ ngôn ngữ nhất định.


Cách 2: Đo tốc độ đọc

Khi trẻ bắt đầu thực hiện ER, cha mẹ chọn cho trẻ 1 cuốn sách đúng level. Sau đó, cha mẹ yêu cầu trẻ đọc sách trong 3 phút. Sau 3 phút, cha mẹ cho trẻ dừng lại ở trang sách trẻ đang đọc, rồi lấy số từ trẻ đã đọc chia cho 3 để có chỉ số về tốc độ đọc từng phút của trẻ. Lặp lại bài kiểm tra này sau một khoảng thời gian, có thể là hàng tuần hoặc hàng tháng. Cha mẹ cũng có thể kẻ bảng để ghi chép lại tốc độ đọc của con.


Bảng theo dõi Tốc độ đọc (Reading Speed Record)

Cách 3: Theo dõi các hoạt động hàng ngày

Khi trẻ đang yên lặng đọc sách, hãy quan sát các dấu hiệu sau ở trẻ:

  • Trẻ trông có vẻ đang hiểu những gì đang đọc không? Hay trẻ trông chán nản và mất hứng thú với sách đang đọc?

  • Trẻ có cười khi đọc những phần thú vị? Hoặc trẻ có sợ hãi khi đọc đến những đoạn hồi hộp, gay cấn?

  • Trẻ có đang ngồi đọc một cách thoải mái để đọc sách, hay trẻ đang cố gắng che giấu cơn buồn ngủ?

  • Trẻ có lật trang sách thường xuyên không? Hay trẻ trông có vẻ đang đọc rất chậm (Ví dụ: trẻ dùng ngón tay di chuyển theo dòng chữ trong sách)?

  • Trẻ có đọc lại phần sách vừa đọc không? Trẻ có dùng từ điển nhiều không?


Cách 4: Kiểm tra mức độ đọc hiểu trong và sau quá trình đọc sách

Đặt câu hỏi để đánh giá nhanh xem trẻ có hiểu những gì đã đọc, hoặc đã hoàn thành cuốn sách chưa. Cha mẹ có thể hỏi và đánh giá trẻ theo các điểm sau:

  • Trẻ có gặp một chút vấn đề khi kể lại câu chuyện không? Trẻ có cần kể lại câu chuyện bằng tiếng Việt không?

  • Trẻ có thể phản ứng lại với câu chuyện một cách thoải mái bằng cách kể về những gì trẻ thích hoặc không thích không?

  • Tìm một dòng quan trọng nhất trong truyện và hỏi con ai là người đã nói câu đó, hoặc hỏi trẻ về địa điểm mà các nhân vật trong truyện đã đi qua.

  • Hỏi trẻ: “Nội dung truyện là gì?”, “Ai là nhân vật chính?”, “Chuyện gì đã xảy ra ở đoạn này?”

  • Hỏi trẻ câu chuyện đã kết thúc như thế nào? Đó là một kết thúc vui hay buồn? Vì sao? Truyện này thuộc thể loại gì?

  • Theo dõi xem trẻ có phải dò tìm trong sách để trả lời câu hỏi không hoặc trẻ có thể suy nghĩ và trả lời ngay mà không cần đọc lại sách.


Trên đây là một số cách để cha mẹ có thể tự kiểm tra và đánh giá mức độ đọc hiểu và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Cha mẹ chỉ nên chọn một vài phương pháp để kiểm tra và kiểm tra con ở một số thời điểm nhất đinh. Không nên biến việc kiểm tra kiến thức trở thành một hoạt động thường xuyên vì có thể khiến trẻ đọc để đối phó với các bài kiểm tra và mất đi hứng thú với hoạt động đọc. Điều quan trọng nhất của ER và hoạt động đọc sách ở nhà là để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con nên cha mẹ chỉ nên kiểm tra có chừng mực để con luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái trong hoạt động đọc sách. Khi con yêu thích hoạt động đọc sách con sẽ đọc được nhiều sách và đọc nhanh hơn, như vòng tròn minh họa thói quen đọc sách của good reader (người đọc tốt) và weak reader (người đọc yếu) dưới đây.



Nguồn tham khảo:

The Extensive Reading Foundation (2001). Guide to Extensive Reading. Online: https://erfoundation.org/guide/ERF_Guide.pdf.


15 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page